Ngày 18 tháng 9 năm 2023, Viện Công nghệ Thông tin (ITI) phối hợp cùng Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI), Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo chuyên đề về “Cơ hội nghiên cứu khoa học cho học viên của IFI tại ITI”. Sự kiện có sự tham gia của đại diện hai đơn vị cùng toàn thể học viên thạc sĩ Công nghệ thông tin, chuyên ngành Hệ thống thông minh và Đa phương tiện (SIM) tại IFI.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Lê Hoàng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin (CNTT) đánh giá cao môi trường học tập năng động, hiện đại và đa văn hóa tại IFI. ITI và IFI có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông và có môi trường văn hóa học tập đa dạng. Viện Công nghệ Thông tin là đơn vị thành viên của ĐHQGHN, có nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ, gắn với đổi mới sáng tạo. Hiện tại, Viện Công nghệ Thông tin có 05 phòng nghiên cứu, 01 phòng thí nghiệm phối thuộc về AIoT với Trường Quốc tế, 02 nhóm nghiên cứu mạnh. Các cán bộ của Viện rất năng động và có khả năng nghiên cứu khoa học tốt, với trung bình 2.1 bài ISI/SCOPUS trên từng cán bộ một năm. Ngoài nghiên cứu cơ bản, Viện Công nghệ Thông tin cũng có 03 sản phẩm có thể chuyển giao và thương mại hóa, gắn với chuyển đổi số, giáo dục thông minh (EduNet), và y tế thông minh (VNU Diagnosis). Việc hợp tác với IFI trong việc triển khai đào tạo học viên cao học quốc tế là phù hợp với thế mạnh của hai đơn vị, thể hiện trách nhiệm quốc gia và khát vọng nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo tại ĐHQGHN.

Đồng quan điểm này, TS. Cù Kim Long, thành viên nhóm Nghiên cứu mạnh “Trí tuệ nhân tạo ứng dụng AI 4.0” của Viện Công nghệ Thông tin, cũng cho rằng việc hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo sẽ giúp cho các học viên của IFI có cơ hội trải nghiệm nghiên cứu qua các chương trình nghiên cứu lớn của Viện Công nghệ Thông tin liên quan đến trí tuệ đa phương tiện, đồ thị tri thức, hệ tư vấn, công nghệ blockchain, thiết kế vi mạch,… Đặc biệt, các học viên cao học của IFI sẽ có cơ hội tham quan tour công nghệ tại các lab (lab tour) của Viện Công nghệ Thông tin, được tham gia quy trình nghiên cứu từ nghiên cứu cơ bản cho đến phát triển công nghệ theo các dòng sản phẩm, và trải nghiệm văn hóa làm việc và con người ĐHQGHN theo tinh thần One VNU.

Cũng trong buổi tọa đàm, TS. Lương Thị Hồng Lan – đại diện nhóm Nghiên cứu mạnh “Trí tuệ nhân tạo ứng dụng AI 4.0” của Viện Công nghệ Thông tin trình bày các chủ đề nghiên cứu đang được triển khai tại Viện Công nghệ Thông tin về bài toán phân loại video (video classification), nhận dạng hành vi (human activity recognition – HAR) và chú thích dữ liệu hình ảnh/video (image/short video captioning). Đây đều là những chủ đề hấp dẫn, bắt kịp xu thế phát triển của ngành CNTT hiện nay. Các học viên có thể lựa chọn các chủ đề này và một số chủ đề liên quan khi tham gia thực tập tại Viện, và có thể phát triển tiếp thành luận văn thạc sĩ.

Chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu tại Viện Công nghệ Thông tin, NCS. Michael Omar cho rằng sự quan tâm của các thầy cô hướng dẫn và định hướng nghiên cứu hiện đại là yếu tố tiên quyết để các học viên có thể hoàn thành luận văn. Ông Michael Omar cũng chia sẻ trải nghiệm làm việc tại nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Lê Hoàng Sơn trong thời gian qua và nhấn mạnh về sự dấn thân nghiên cứu và trải nghiệm văn hóa và cuộc sống tại Việt Nam và tại ĐHQGHN.

Phát biểu đáp từ, ông Hồ Tường Vinh – Khoa Quốc tế Pháp ngữ cảm ơn đoàn công tác của Viện Công nghệ Thông tin và sẽ trao đổi cũng như cử các học viên sang Viện Công nghệ Thông tin thực tập nghiên cứu trong thời giạn sớm nhất. Các học viên quốc tế bày tỏ sự hào hứng với những cơ hội học tập, làm việc tại Viện Công nghệ Thông tin đồng thời cũng có phần thảo luận thú vị, sôi nổi với các diễn giả, qua đó thể hiện mong muốn học tập và làm việc tại ĐHQGHN nhiều hơn trong thời gian tới.

Một số ảnh tại hội thảo: