Trong khuôn khổ sự kiện Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng 2024 do Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã tổ chức, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trao giấy chứng nhận hoàn thành Chương trình đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn (UpSkill) về Thiết kế vi mạch bán dẫn cho 22 giảng viên nguồn của Đà Nẵng.

Khoá đào tạo được hãng Synopsys (Hoa Kỳ) tài trợ toàn bộ bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch và một phần chi phí đào tạo.

Đây là chương trình đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn theo đặt hàng của Thành phố Đà Nẵng, do Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN phối hợp với Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (Đại học Đà Nẵng) và Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) tổ chức từ tháng 3/2024.

Chương trình đào tạo UpSkill về Thiết kế vi mạch được thiết kế với tư duy thực chiến, kết hợp 3 tháng học lý thuyết và 3 tháng làm dự án thực tế, giúp các giảng viên nâng cao năng lực, trình độ, được tiếp cận, sử dụng các thư viện chế tạo vi mạch tiên tiến, cùng với các bộ công cụ phần mềm thiết kế thương mại để có thể tham gia ngay vào lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn. Học viên tham gia lớp học được thành phố Đà Nẵng lựa chọn từ các cơ sở giáo dục đại học tại địa bàn thành phố như: Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học FPT. Một số học viên tốt nghiệp khóa học đã được lựa chọn cử đi học tập và trao đổi thực tế tại Đài Loan trong thời gian tới.

Với trách nhiệm xã hội và thực hiện sứ mệnh tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và thiết kế vi mạch bán dẫn, trong năm 2023-2024, Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN đã ký kết hợp tác với Trường Đại học Công nghệ Thông tin Việt – Hàn (Đại học Đà Nẵng), Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng nhằm thúc đẩy các hoạt động khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

GS.TS Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin tham gia Tổ tư vấn về phát triển ngành vi mạch bán dẫn của thành phố Đà Nẵng. Trước đó, tháng 3/2024, Viện Công nghệ Thông tin đã phối hợp với Trường Đại học Công nghệ Thông tin Việt – Hàn triển khai hai khóa đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn cho giảng viên, học viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
TS. Lê Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin – ĐHQGHN và PGS.TS. Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin Việt Hàn – ĐH Đà Nẵng trao giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn cho 22 giảng viên của Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Văn Quảng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu khai mạc Hội nghị Xúc tiến đầu tư vi mạch bán dẫn Đà Nẵng.
Viện Công nghệ Thông tin – ĐHQGHN và Sở Thông tin Truyền thông Đà Nẵng trao Biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng 2024 được tổ chức là một dịp quảng bá các chính sách đầu tư của thành phố Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và thể hiện mong muốn, cam kết của thành phố Đà Nẵng sẵn sàng đón nhận và thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn tại Đà Nẵng và cụ thể hóa Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Viện Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia Hà Nội là một viện nghiên cứu thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, được thành lập từ năm 2001. Viện Công nghệ Thông tin có sứ mệnh đào tạo chuyên gia chất lượng cao ở bậc tiến sỹ, tham gia đào tạo đại học và sau đại học thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin tại các trường đại học và các đơn vị trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng, tư vấn và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin – Truyền thông nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, bồi dưỡng, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ, phổ cập công nghệ mới cho các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước.

Viện Công nghệ Thông tin hiện có 5 đơn vị nghiên cứu và phát triển công nghệ: (1) Phòng Cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin; (2) Phòng An toàn hệ thống thông tin; (3) Phòng Công nghệ nhận dạng và xử lý ngôn ngữ tự nhiên; (4) Trung tâm Thiết kế vi mạch và ứng dụng; (5) Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến quốc tế về Trí tuệ nhân tạo ứng dụng.

Đội ngũ các nhà khoa học của Viện Công nghệ Thông tin đang triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, đề tài, dự án cấp nhà nước, cấp bộ ngành, cấp ĐHQGHN và quốc tế liên quan đến các vấn đề công nghệ quan trọng như: khoa học dữ liệu; trí tuệ nhân tạo (AI); thực tại ảo/thực tại tăng cường (VR/AR); xử lý ảnh/video; an toàn thông tin; blockchain; Internet vạn vật (IoT); hệ thống nhúng; thiết kế vi mạch và FPGA, thiết kế bảo mật cho RFID… Một số sản phẩm khoa học công nghệ tiêu biểu như: Hệ thống nhận dạng phân loại trạng thái cảm xúc khuôn mặt người; Giải pháp nền tảng phần cứng – phần mềm cho hệ thống thiết bị IoT an toàn; Hệ tư vấn và hỗ trợ chẩn đoán bệnh theo tiếp cận tính toán mờ; Phần mềm chẩn đoán bệnh viêm quanh cuống trên ảnh X-quang nha khoa…

Viện Công nghệ Thông tin có mạng lưới hợp tác chặt chẽ với các tr ường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp khoa học công nghệ trong nước và quốc tế (Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia…). Trong thời gian qua, các nhà khoa học của Viện Công nghệ Thông tin đã triển khai nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ hợp tác với các đối tác quốc tế, công bố nhiều công trình khoa học chung với các học giả quốc tế.

Nguồn: Đại học Quốc gia Hà Nội