Luận án tiến sỹ: Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp công nghệ trong thiết kế khung kiến trúc Chính phủ điện tử tại Việt Nam
Toàn văn Luận án tiến sỹ Phạm Hải Sơn
Thông tin LATS:
- Họ và tên nghiên cứu sinh: Phạm Hải Sơn
- Giới tính: Nam
- Ngày sinh: 02/05/1978
- Nơi sinh: Quảng Ninh
- Quyết định công nhận nghiên cứu sinh: Quyết định số 91/QĐ-VCNTT ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin
- Các thay đổi trong quá trình đào tạo (nếu có): Quyết định số 90a/QĐ-CNTT ngày 26/11/2021 của Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin về việc gia hạn thời gian đào tạo
- Tên đề tài luận án: Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp công nghệ trong thiết kế khung kiến trúc Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
- Chuyên ngành: Quản lý hệ thống thông tin
- Mã số: 9480205.01 QTD
- Cán bộ hướng dẫn khoa học: Hướng dẫn 1: PGS.TS Lê Hoàng Sơn
Hướng dẫn 2: TS. Byeong Nam Yoon
- Tóm tắt các kết quả mới của luận án:
* Mục đích nghiên cứu
Luận án hướng tới nhằm đạt được hai mục đích. Mục đích thứ nhất là cung cấp một phương pháp luận để thiết kế và triển khai một khung kiến trúc chính phủ điện tử hướng dịch vụ di động dựa trên những cải tiến khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 để cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên thiết bị di động. Mục đích thứ hai là đề xuất một số giải pháp về công nghệ và quản lý để triển khai khung kiến trúc chính phủ điện tử hướng dịch vụ di động trong thực tiễn cho chính phủ Việt Nam.
* Đối tượng nghiên cứu
- Kiến trúc tổng thể chính phủ điện tử.
- Phương pháp thiết kế kiến trúc các hệ thống thông tin của chính phủ.
- Thiết kế, vận hành, quản lý hệ thống thông tin của chính phủ .
- Các công nghệ, ứng dụng di động.
- Các chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ di động.
* Các phương pháp nghiên cứu đã sử dụng
- Nghiên cứu trường hợp cụ thể: Nghiên cứu Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0.
- Tổng quan tài liệu: Tiến hành tổng quan những tài liệu về kiến trúc tổng thể, những thách thức của Chính phủ di động, những nghiên cứu trong và ngoài nước về Chính phủ di động.
- Phân tích hiện trạng và tương tai: Phân tích hiện trạng Chính phủ điện tử của Việt Nam và đề xuất ứng dụng di động cho Chính phủ điện tử của Việt Nam trong tương lai dựa trên những hiện trạng đã có.
- Phương pháp so sánh: So sánh Khung kiến trúc Chính phủ điện tử của Việt Nam với khung Chính phủ điện tử của các nước phát triển trên thế giới qua đó bổ sung thành phần và giảm thiểu hạn cho khung kiến trúc đề xuất.
- Khảo sát: Khảo sát tình hình sử dụng ứng dụng thanh toán di động của người dân Việt Nam, qua đó đề xuất sử dụng ứng dụng đó trong thanh toán dịch vụ công của chính phủ.
- Phỏng vấn: Phỏng vấn các chuyên gia công tác trong lĩnh vực chuyển đổi số về khả năng ứng dụng của khung kiến trúc đề xuất.
- Đánh giá: Sử dụng thang điểm Likert để đo mức độ đồng thuận của các chuyên gia về khả năng ứng dụng của Khung kiến trúc đề xuất.
* Các kết quả chính
- Đề xuất phương pháp luận để thiết kế và triển khai một khung kiến trúc tổng thể cho chính phủ điện tử hướng di động cho Việt Nam.
- Đề xuất các giải pháp công nghệ di động sử dụng trong chính phủ điện tử Việt Nam.
- Đề xuất các giải pháp quản lý ứng dụng di động cho chính phủ điện tử Việt Nam.
- Đề xuất khung chính sách phát triển hạ tậng mạng di động ảo cho chính phủ Việt Nam.
- Đề xuất mô hình tổ chức thực hiện và xây dựng lộ trình thực hiện chính phủ điện tử hướng dịch vụ di động cho Việt Nam.
* Những vấn đề khoa học và kỹ thuật đã được giải quyết, ý nghĩa khoa học và thực tiễn:
Luận án khắc phục điểm trống của Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 thông qua việc nâng cấp, bổ sung yếu tố ứng dụng thiết bị, công nghệ di động vào việc phát triển chính phủ điện tử và chuyển đổi số ở Việt Nam, cụ thể trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến của chính phủ. Trong thực tiễn luận án có thể được sử dụng làm căn cứ để các cơ quan chính phủ Việt Nam xây dựng Khung kiến trúc chính phủ điện tử phiên bản 3.0 trong tương lai gần. Giúp chính phủ có định hướng từ chính sách đến công nghệ trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua thiết bị di động một cách trình tự, từ đó giảm thiểu các rủi ro và chi phí khi xây dựng các ứng dụng di động trong tương lai. Luận án cũng giúp các Giám đốc công nghệ (CIO) của các cơ quan chính phủ và các nhà hoạch định chính sách xây dựng tầm nhìn trong tương lai gần về cách chính phủ sẽ cung cấp dịch vụ công tới người dân và doanh nghiệp, qua đó thay đổi các chính sách để công nghệ đi vào đời sống, dễ thực thi và hiệu quả trong công tác điều hành.
- Khả năng ứng dụng thực tiễn
Luận án có thể sử dụng để xây dựng Khung kiến trúc chính phủ điện tử hướng dịch vụ di động tại Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Các hướng nghiên cứu tiếp theo
Nghiên cứu đưa vào phương pháp đánh giá hiệu quả đầu tư khi đề xuất ứng dụng công nghệ di động vào phát triển Chính phủ điện tử;
Mở rộng nghiên cứu, phân tích quy trình nghiệp vụ của toàn bộ các dịch vụ công của chính phủ để xây dựng lược đồ quan hệ giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia với cơ sở dữ liệu nghành, từ đó đề xuất phương án liên thông dữ liệu cũng như xác định mức độ ưu tiên đầu tư cho các ứng dụng di động.
Nghiên cứu xu hướng công nghệ di động trong tương lai như mạng di động 6G hoặc các mạng sóng ngắn khác để cung cấp các dịch vụ di động thuận lợi hơn.
- Các công trình công bố liên quan đến luận án (liệt kê theo trình tự thời gian):
- [CT1] Son, P. H., Jha, S., Kumar, R., & Chatterjee, J. M. (2019). Governing mobile Virtual Network Operators in developing countries. Utilities Policy, 56, 169-180.
- [CT2] Byeongnam Yoon; Pham Dinh Lam; Pham Hai Son; Pham Thanh Dat; Do Van Thien; Viet-Vu Vu.. (2019). A Study on EA based IT Governance. 21st International Conference on Advanced Communication Technology (ICACT). Electronic ISBN: 979-11-88428-02-1. Published on IEEE Xplore (Scopus). DOI: 10.23919/ICACT.2019.8701962.
- [CT3] Phạm Hải Sơn, Lê Hoàng Sơn, Beongnam Yoon, Đặng Vũ Tuấn. (10/2020). Đề xuất khung kiến trúc ứng dụng cho chính phủ di động dựa trên kiến trúc tổng thể tại Việt Nam. Kỷ yếu Hội nghị KHCN Quốc gia lần thứ XIII về Nghiên cứu cơ bản và ứng dụng Công nghệ thông tin (FAIR).
- [CT4] Phạm Hải Sơn, Lê Hoàng Sơn, Hoàng Thế Anh, (2023). Đề xuất công nghệ và mô hình quản lý điện toán đám mây di động phục vụ chương trình chuyển đổi số của Chính phủ Việt Nam}, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Số:T. 65 S. 8 2023: Tập 65 – Số 8 – Tháng 8 năm 2023). DOI: https://doi.org/10.31276/VJST.65(8).35-39.
- [CT5] Wilson Wenwei Khong, Swee Teng Wong, Ganeshsree Selvachandran, Pham Hai Son, Le Hoang Son, Hoang Viet Long. Acceptance of Mobile Payments Among Middle-Aged People in Developing Countries: A Comparative Study using Partial Least Square-Artificial Neural Network. Đang review.
- [CT6] Pham Hai Son, Le Hoang Son, Byeongnam Yoon. Proposing a mobile government enterprise architecture framework in developing countries: a case study in Vietnam. Đang review.