Ngày 16/9/2022, Viện Công nghệ Thông tin đã tổ chức buổi seminar về “Y tế thông minh”, chủ trì bởi: PGS. TS. Lê Hoàng Sơn, và có sự tham gia của các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên và nghiên cứu sinh đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu trong cả nước.
Trong khuôn khổ seminar, ông Cù Kim Long- Phó Giám đốc, Trung tâm Công nghệ thông tin – Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình bày báo cáo với chủ đề về: “Nghiên cứu một số kỹ thuật thông minh dựa trên đồ thị tri thức mờ dạng cặp cho bài toán trợ giúp ra quyết định trong lĩnh vực y tế”. Trong thập kỷ vừa qua, nhiều mô hình, phương pháp hay kỹ thuật thông minh đã được nghiên cứu và công bố trên các tạp chí khoa học uy tín bởi các nhà nghiên cứu và nhà phát triển nhằm cải thiện chất lượng của hệ thống trợ giúp ra quyết định. Gần đây, hướng nghiên cứu suy diễn dựa trên đồ thị tri thức mờ (FKG) với lợi thế cho phép suy diễn trong các trường hợp thiếu tri thức trong kho dữ liệu đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới. Tuy nhiên, một trong những hạn chế chủ yếu của FKG là việc sử dụng các cặp đơn để tìm nhãn của các bản ghi mới dẫn đến hiệu suất thấp trong suy luận xấp xỉ. Trong bài trình bày này, diễn giả đưa ra một cách tiếp cận mới về việc sử dụng đồ thị tri thức mờ dạng cặp (FKG-Pairs) thay cho cặp đơn như trong mô hình cổ điển. Mô hình đề xuất FKG-Pairs bao gồm một phương pháp biểu diễn FKG và một thuật toán suy luận xấp xỉ (thuật toán FKG-Pairs). Phân tích lý thuyết về mô hình FKG-Pairs cũng được nghiên cứu nhằm xác định một ngưỡng tối ưu cho giá trị cặp góp phần cải thiện hiệu năng của hệ thống về mặt độ chính xác và thời gian tính toán.
Việc ứng dụng FKG để giải quyết bài toán phân loại, trợ giúp ra quyết định trong trường hợp cực đoan, ở đó các hệ thống y tế hay thương mại điện tử với tập dữ liệu đầu vào khá lớn trong khi cơ sở luật mờ lại quá nhỏ (thậm chí là chưa có), vẫn là một thách thức lớn. Để xử lý vấn đề này, một cách tiếp cận mới sử dụng FKG-Pairs kết hợp với kỹ thuật Q-learning đã được trình bày và áp dụng cho lĩnh vực y tế. Một thuật toán mới được đề xuất (FKG-Extreme) nhằm mục đích cải thiện sức mạnh của các hệ thống ra quyết định về độ chính xác. Phân tích ANOVA hai chiều cũng được tiến hành để kiểm chứng mô hình thống kê. Các kết quả nghiên cứu chia sẻ trong seminar hỗ trợ phát triển xây dựng các hệ trợ giúp ra quyết định dựa trên đồ thị tri thức mờ nhằm đáp ứng nhu cầu trong thực tế, đặc biệt là giải quyết các ứng dụng trong y tế.
Buổi seminar đã diễn ra rất sôi nổi với sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngành, mang đến nhiều hướng hợp tác mới cả về lý thuyết và ứng dụng trong Y tế thông minh.