Ngày 22/9/2022, Hội nghị khoa học quốc tế về Thiết kế vi mạch và Công nghệ chế tạo (2022 IEEE International Conference on IC Design and Technology – ICICDT 2022) đã chính thức khai mạc tại Tòa nhà Sunwah, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hội nghị ICICDT được tổ chức lần đầu vào năm 2004 tại thành phố Austin, Hoa Kỳ và trở thành một sự kiện khoa học tầm cỡ quốc tế cho cộng đồng các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ và các công ty công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thiết kế và chế tạo vi mạch gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và các sáng kiến mới nhất trong lĩnh vực công nghệ thiết kế và chế tạo vi mạch. Năm 2022, lần đầu tiên Hội nghị ICICDT được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam từ ngày 21/9 đến ngày 23/9, do Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì, phối hợp với Học viện Kỹ thuật Quân sự, tổ chức với sự bảo trợ của IEEE.
Hội nghị ICICDT 2022 là một diễn đàn khoa học cho các nhà khoa học trong và ngoài nước trình bày, trao đổi các kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực công nghệ và thiết kế vi mạch; đặc biệt là các kết quả thuộc hướng nghiên cứu ở các lĩnh vực như công nghệ sản xuất và đóng gói vi mạch, công nghệ vật liệu mới và các công nghệ mới nổi về vi mạch như công nghệ tích hợp 2.5D/3D, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo, các kỹ thuật thiết kế vi mạch tương tự/số, thiết kế công suất thấp.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Trần Xuân Tú – Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, Chủ tịch Hội nghị cho biết: “Chủ đề của Hội nghị ICICDT là các công nghệ thiết kế và chế tạo vi mạch điện tử (chip bán dẫn) – được mệnh danh là “xương sống” của kỷ nguyên công nghệ hay “hạt gạo” của ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin. Hội nghị ICICDT năm nay là một sự bắt tay hoàn hảo giữa khối công nghiệp và khối nghiên cứu hàn lâm với tỷ lệ tham dự hội nghị đến từ các tập đoàn công nghệ rất cao. Hội nghị có 5 báo cáo phiên toàn thể được trình bày bởi các chuyên gia công nghệ hàng đầu đến từ các tập đoàn nổi tiếng như SK hynix, NXP, ON Semiconductor, Soitec, NanoAcademic, v.v…, 5 bài giảng chuyên sâu về công nghệ thiết kế vi mạch điện tử và chế tạo, 24 báo cáo mời và gần 30 báo cáo chính thức được trình bày bởi các nhà khoa học đến từ các châu lục. Bên cạnh vai trò diễn đàn học thuật, Hội nghị ICICDT là cầu nối giữa khối công nghiệp và khối hàn lâm (đại học, viện nghiên cứu) với mục tiêu thúc đẩy hợp tác trường đại học – doanh nghiệp để tiến xa hơn trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và công nghệ chế tạo. Đây là tiêu chí hàng đầu và truyền thống lâu đời của Hội nghị ICICDT.”
PGS.TS. Trần Xuân Tú – Viện trưởng, Chủ tịch Hội nghị phát biểu khai mạc.
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Bích Yến, Chuyên gia cao cấp – Phó Giám đốc công nghệ hãng Soitec (tác giả của gần 300 sáng chế và hơn 200 bài báo khoa học) cho biết: “Hội nghị ICICDT là nơi hội tụ các chuyên gia hàng đầu về thiết kế vi mạch và công nghệ chế tạo. Với ý tưởng tạo dựng một diễn đàn khoa học nhằm chia sẻ, tìm kiếm tiếng nói chung trong nghiên cứu và phát triển công nghệ giữa nhóm chuyên gia công nghệ bán dẫn, chuyên gia thiết kế vi mạch để tạo nên những đột phát về công nghệ, biến cái không thể thành có thể trong công nghệ. Hội nghị ICICDT cũng là một diễn đàn để kết nối tri thức giữa khối công nghiệp và khối đại học, viện nghiên cứu; tạo động lực sáng tạo cho các nghiên cứu sinh, các nhà nghiên cứu trẻ trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, chip điện tử và công nghệ chế tạo, công nghệ vật liệu mới”. TS. Nguyễn Bích Yến cũng bày tỏ ấn tượng về công tác tổ chức của hội nghị trong gần một năm qua, đã xây dựng được chương trình hội nghị chất lượng cao, quy tụ được nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ nhiều nước khác nhau trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 chưa thực sự kết thúc.
TS. Nguyễn Bích Yến – Chuyên gia cao cấp, VP Soitec phát biểu.
Hội nghị ICICDT 2022 vinh dự mời được các chuyên gia đến từ các tập đoàn công nghệ nổi tiếng trình bày các báo cáo mời tại phiên toàn thể (keynote):
- TS. Patric Besse, Giám đốc phụ trách mảng EMC & EMD, Tập đoàn công nghệ NXP, Cộng hòa Pháp.
- TS. Myung-Hee Na, Giám đốc công nghệ, Tập đoàn SK hynix, Hàn Quốc.
- TS. Thomas Ayers, Giám đốc phát triển công nghệ cảm biến cho ô tô, Tập đoàn ON Semiconductor, Hoa Kỳ.
- TS. Félix Beaudoin, Giám đốc điều hành, Công ty NanoAcademic, Canada.
- Nitin Kishore, Chủ tịch sáng lập kiêm Giám đốc điều hành, Công ty Truechip Solutions.
Hội nghị cũng vinh dự đón các nhà khoa học hàng đầu tới trình bày giảng bài (tutorials) bên lề hội nghị. Nội dung các bài giảng liên quan đến hướng dẫn cách thiết kế hệ thống bảo mật phần cứng sử dụng vi xử lý RISC-V, các kỹ thuật bảo mật phần cứng cùng các bài giảng về quy trình thiết kế vi mạch cho thiết bị IoT và các vấn đề liên quan đến công nghệ chế tạo vi mạch.
- Giáo sư Phạm Công Kha, Đại học Điện tử – Truyền thông, Tokyo, Nhật Bản.
- Giáo sư Gong Xiao, Đại học Quốc gia Singapore, Singapore.
- Giáo sư Massimo Alioto, Đại học Quốc gia Singapore, Singapore.
- Giáo sư Orazio Aiello, Đại học Genova, Italy.
- Giáo sư Rino Choi, Đại học Inha, Hàn Quốc.
Hội nghị ICICDT 2022 cũng vinh dự đón hơn 100 nhà khoa học, nghiên cứu viên, và các chuyên gia tập đoàn công nghệ từ trong vào ngoài nước đến tham dự. Tài trợ cho ICICDT 2022 gồm: Công ty Truechips (Ấn Độ), Công ty Keysight (Hoa Kỳ), Công ty Dolphin, IEEE Vietnam Section, IEEE SSCS Vietnam Chapter và IEICE Vietnam Section.
TS. Myung-Hee Na, Giám đốc công nghệ, Tập đoàn SK hynix, Hàn Quốc trình bày báo cáo phiên toàn thể.
———————————————————
Một số hình ảnh tại Hội nghị ICICDT 2022