Ngày 15/3/2024, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức seminar khoa học với chủ đề “Khai phá thông minh trong Trí tuệ nhân tạo 4.0”. Buổi seminar được tổ chức trực tiếp tại phòng 505, nhà E3 (kết hợp hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom) với sự tham gia của các giáo sư đến từ Đại học Granada, Tây Ban Nha, PGS.TS. Nguyễn Hà Nam – điều phối dự án ReMESH, liên minh châu Âu cùng đông đảo học viên, nghiên cứu sinh. Về phía Viện Công nghệ Thông tin có sự tham gia trực tuyến của GS.TS. Trần Xuân Tú – Viện trưởng, PGS.TS. Lê Hoàng Sơn – Phó Viện trưởng kiêm Giám đốc Trung tâm AIRC và TS. Dương Quang Khánh – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Đào tạo. Đây là chuỗi hội thảo định kỳ hằng tháng của Viện Công nghệ Thông tin nhằm tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hướng đến các nghiên cứu chung có tiềm năng cả về lý thuyết và ứng dụng.

GS. Pedro A. Garcia, Đại học Granada, Tây Ban Nha giới thiệu các dự án nghiên cứu.

Mở đầu cho hội thảo là phần trình bày của GS. Pedro A. Garcia đến từ Đại học Granada, Tây Ban Nha (Universidad de Granada). Giáo sư đã giới thiệu sơ lược về Đại học Granada là trường đại học công lớn thứ hai Tây Ban Nha (theo bảng xếp hạng Thượng Hải năm 2023) có trụ sở chính tại thành phố Granada, Tây Ban Nha. Về cơ cấu tổ chức, Đại học Granada gồm 4 trường đại học, 22 khoa và 124 bộ môn phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu. Hiện nay, Đại học Granda đang đào tạo 89 chương trình đào tạo cử nhân, 116 chương trình đào tạo thạc sĩ và 28 chương trình đào tạo tiến sĩ trong các lĩnh vực: nghệ thuật và nhân văn, khoa học xã hội, các ngành khoa học, khoa học sức khỏe, kỹ thuật và kiến trúc. Trường Công nghệ Thông tin và Viễn thông (School of Information Technology and Telecommunications) thuộc Đại học Granada có tổng cộng 10 nhóm nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực ICT như nhóm nghiên cứu về lý luận gần đúng và trí tuệ nhân tạo, xử lý sự bất định trong trí tuệ nhân tạo, xử lý thông tin hình ảnh, thiết bị điện tử…

Cuối mở đầu là phần trao đổi, thảo luận về cơ hội hợp tác giữa Đại học Granada với Viện Công nghệ Thông tin nói riêng cũng như Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung về các dự án nghiên cứu chung, cơ hội trao đổi sinh viên, giảng viên.

Tiếp theo là phần trình bày của TS. Dương Quang Khánh về ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong thiết kế bộ điều khiển định dạng đầu vào (input shaper) giúp giảm dao động cho hệ thống cơ điện tử. Nghiên cứu đã ứng dụng thuật toán di truyền để xác định các tham số cho bộ điều khiển trên cơ sở tối ưu hóa hàm sai số định vị. Để tăng tính trơn cho các đường cong và tốc độ gia công, phương pháp nội suy NURBS (Non-Uniform Rational B-Splines) cũng được nghiên cứu kết hợp với bộ điều khiển định dạng đầu vào giúp tăng độ chính xác định vị trong quá trình gia công. Ngoài thuật toán di truyền, phương pháp tối ưu hóa bầy đàn, mạng nơron, luật mờ cũng được ứng dụng cho các bài toán kỹ thuật, giúp giảm dao động cho các hệ thống.

TS. Dương Quang Khánh trình bày về ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong thiết kế bộ điều khiển giúp giảm dao động cho hệ thống cơ điện tử.

TS. Dương Quang Khánh đồng thời cũng đã giới thiệu các hoạt động nghiên cứu của Viện Công nghệ Thông tin dựa trên 3 trụ cột chính là (1) Trí tuệ nhân tạo ứng dụng; (2) Thiết kế vi mạch bán dẫn và ứng dụng; (3) An toàn hệ thống thông tin trong thời kỳ chuyển đổi số.

Buổi seminar đã giúp các học viên, nghiên cứu sinh Viện CNTT có cơ hội được học hỏi, giao lưu và thảo luận với các giáo sư, chuyên gia đến từ các nước tiên tiến trên thế giới. Qua đây các hoạt động hợp tác chuyên sâu về Trí tuệ nhân tạo giữa Viện Công nghệ Thông tin với các đối tác trên thế giới ngày càng mở rộng và có định hướng rõ rệt.

Một số hình ảnh tại seminar: