Ngày 18 tháng 2 năm 2022, Viện Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo định kỳ về “Mạng Internet vạn vật (IoT): các ứng dụng nổi bật”. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, người học và chuyên gia công nghệ đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Hội thảo lần này vinh dự có 2 báo cáo mời của PGS.TS. Trần Đức Tân đến từ Trường Đại học Phenikaa và Kỹ sư Nguyễn Ngô Doanh – Phòng Công nghệ Mạng và truyền thông, Viện Công nghệ Thông tin.
Với báo cáo thứ nhất, PGS.TS. Trần Đức Tân – Trường Đại học Phenikaa đã trình bày các kết quả nghiên cứu mới về các hệ thống IoT trong một số ứng dụng mới nổi. Theo đó, việc sử dụng các cảm biến thích hợp trong các thiết bị IoT cung cấp khả năng cảm nhận bất kỳ loại thông tin mong muốn nào từ môi trường xung quanh bao gồm nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, rung động… Những tiến bộ gần đây đã giúp có thể làm cho các thiết bị IoT có kích thước nhỏ, xử lý mạnh mẽ và tiết kiệm năng lượng hơn. Những ưu điểm này của IoT đang thúc đẩy nhiều ứng dụng mới nổi trong các lĩnh vực y tế, giao thông, nông nghiệp, năng lượng và môi trường. Có thể thấy Internet of Things (IoT) có tính chất liên ngành và chắc chắn sẽ cung cấp một nền tảng để cho các cá nhân từ nhiều lĩnh vực làm việc cùng nhau. Báo cáo này trình bày một số hệ thống IoT thông qua một số ứng dụng mới nổi, cơ hội mà IoT mang lại và những thách thức mà nó đặt ra.
Với xu thế phát triển các hệ thống thông minh phân tán, việc kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) với công nghệ IoT đang được nhiều nhà khoa học quan tâm. Nhóm nghiên cứu Hệ thống tích hợp thông minh (SISLAB) tại Viện Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia Hà Nội đang triển khai một số hoạt động nghiên cứu theo hướng AIoT này. Tại hội thảo lần này, kỹ sư Nguyễn Ngô Doanh đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày kết quả nghiên cứu của nhóm về “A Tiny Neuron Network System based on RISC-V Processor” (Hệ thống mạng nơ-ron tí hon dựa trên bộ vi xử lý RISC-V).
Hiện nay, vấn đề giao tiếp giữa các các thiết bị điện tử nói chung, hay các thiết bị IoT nói riêng đang trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết bởi sự gia tăng nhanh chóng về số lượng các thiết bị sử dụng. Trong đó, ý tưởng kết hợp Trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là thuật toán mạng nơ-ron, vào mạng lưới các thiết bị IoT giúp giảm khối lượng thông tin truyền tải và thời gian tính toán trên máy chủ đang dần phổ biến và được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Trong bài trình bày này, hướng nghiên cứu dựa trên ý tưởng tích hợp Trí tuệ nhân tạo vào hệ thống phần cứng chuyên dụng của nhóm được giới thiệu. Hệ thống phần cứng ứng dụng Trí tuệ nhân tạo này được xây dựng dựa trên nền tảng CHIPYARD, là mã nguồn phần cứng mở ứng dụng xoay quanh vi xử lý RISC-V. Hệ thống đã được triển khai, hoạt động tại tần số 50MHz trên bộ dụng cụ phát triển Arty A7 100T sử dụng công nghệ FPGA. Cụ thể, với tập dữ liệu mở MNIST, hệ thống có thể đạt được độ chính xác lên đến 98.55%. AIoT được xem là hướng nghiên cứu có nhiều tiềm năng ứng dụng trong thời gian tới. Viện Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn hợp tác với các nhóm nghiên cứu, các tổ chức khoa học công nghệ trong nghiên cứu và triển khai các ứng dụng thực tiễn trong tương lai.