Năm 2024, tập thể cán bộ và người học Viện Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia Hà Nội đã phấn đấu đạt được nhiều thành quả quan trọng, từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học đến hợp tác phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ. Website Viện Công nghệ Thông tin điểm lại 10 Sự kiện và Thành tựu nổi bật trong năm 2024 như sau:
SỰ KIỆN NỔI BẬT
1) Tổ chức thành công Hội nghị khoa học quốc tế lần thứ 9 về “Thiết kế và Kiểm chứng Vi mạch tích hợp”
Từ ngày 6/6/2024 đến 8/6/2024, tại Hà Nội, Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN chủ trì tổ chức hội nghị khoa học quốc tế lần thứ 9 với chủ đề “Thiết kế và Kiểm chứng Vi mạch tích hợp” (9th IEEE International Conference on Integrated Circuits, Design, and Verification – ICDV 2024). Hội nghị thu hút gần 100 chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực vi mạch từ các cơ sở đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.
2) Khai giảng các khóa đào tạo giảng viên Chương trình đào tạo UpSkill về Thiết kế vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng, Hà Nội
Ngày 26/3/2024, Viện Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU) khai giảng các khóa học đầu tiên thuộc Chương trình đào tạo UpSkill về Thiết kế vi mạch bán dẫn. Đây là chương trình đào tạo đặc biệt, được đội ngũ chuyên gia của Viện Công nghệ Thông tin xây dựng trong thời gian qua nhằm nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, kỹ sư đang/sẽ tham gia giảng dạy và làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Chương trình đào tạo UpSkill về Thiết kế vi mạch được thiết kế với tư duy thực chiến, kết hợp 3 tháng học lý thuyết và 3 tháng làm dự án thực tế, giúp các giảng viên, kỹ sư tốt nghiệp ngành gần có thể học tập bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng để có thể tham gia ngay vào lĩnh vực Thiết kế vi mạch bán dẫn. Người học được tiếp cận, sử dụng các thư viện chế tạo vi mạch tiên tiến, cùng với các bộ công cụ phần mềm thiết kế thương mại (được sử dụng phổ biến trên thế giới). Xác định đội ngũ giảng viên là nòng cốt triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, trên cơ sở đặt hàng của Thành phố Đà Nẵng, Viện Công nghệ Thông tin và VKU đã triển khai khóa đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên diễn ra trong 6 tháng, gồm 25 học viên là giảng viên được tuyển chọn từ các trường đại học trên địa bàn thành phố gồm: Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (ĐHĐN), Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học FPT.
3) Lễ ra mắt Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến quốc tế về Trí tuệ nhân tạo ứng dụng
Ngày 16/1/2024, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập và ra mắt Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến quốc tế về Trí tuệ nhân tạo ứng dụng thuộc Viện Công nghệ Thông tin (AIRC). Trung tâm AIRC có chức năng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phát triển các sản phẩm về trí tuệ nhân tạo, sản phẩm có ứng dụng khả năng thương mại hóa; tư vấn triển khai dịch vụ khoa học công nghệ về trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực lien quan; tham gia đào tạo sau đại học, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về trí tuệ nhân tạo và các kế hoạch chung của Viện Công nghệ Thông tin.
![](https://iti.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2024/01/0B2A0696-Enhanced-NR-1024x683.jpg)
4) Đưa vào vận hành Không gian Đổi mới sáng tạo ĐHQGHN và RMIT tại Hòa Lạc (VNU-RMIT Innovation Hub)
VNU-RMIT Innovation Hub được thành lập với mục đích phục vụ đào tạo sau đại học, đào tạo nhân lực trình độ cao, chất lượng cao; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo thông qua hợp tác giữa ĐHQGHN, RMIT với các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Viện CNTT là đơn vị đầu mối triển khai và vận hành. Lĩnh vực hoạt động của Không gian Đổi mới Sáng tạo không chỉ liên quan đến công nghệ số (công nghệ thông tin và truyền thông, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, robot, nhà máy thông minh, vi mạch bán dẫn…) mà còn có các công nghệ khác như vật liệu mới, năng lượng tái tạo, môi trường, nông nghiệp, tăng trưởng xanh…, góp phần giải quyết các bài toán thực tiễn của doanh nghiệp trong các lĩnh vực thiết yếu của đời sống, kinh tế xã hội. Năm 2024, nhiều hoạt động, sự kiện được tổ chức tại Không gian Đổi mới Sáng tạo.
5) Công bố Đề án phát triển Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN đến năm 2030, tầm nhìn 2045
Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN đã xây dựng Đề án phát triển Viện CNTT đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với lộ trình tập trung phát triển 5 trụ cột nghiên cứu khoa học có tầm ảnh hưởng cao. Cụ thể, giai đoạn đầu tập trung phát triển 3 trụ cột: (1) Trí tuệ nhân tạo ứng dụng; (2) Thiết kế vi mạch bán dẫn và ứng dụng; và (3) An toàn hệ thống thông tin trong thời kỳ chuyển đổi số. Tiến tới đến năm 2030, mở rộng thêm hai lĩnh vực mũi nhọn: (4) Điều khiển thông minh và công nghệ robotics; và (5) Công nghệ tính toán và hạ tầng dữ liệu.
Ngày 3/12/2024, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã chính thức ban hành Đề án phát triển Viện Công nghệ Thông tin đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
THÀNH TỰU NỔI BẬT
1) Duy trì mức xếp hạng 5 SAO theo tiêu chí Đại học nghiên cứu định hướng đổi mới sáng tạo và tiếp tục duy trì công bố khoa học quốc tế trên danh mục WoS/Scopus ở mức cao, thuộc nhóm dẫn đầu của ĐHQGHN
Năm 2024, Viện Công nghệ Thông tin tiếp tục được đánh giá và xếp loại ĐẠT MỨC 5 SAO theo tiêu chí Đại học nghiên cứu định hướng đổi mới sáng tạo (tại văn bản số 194/ĐBCL-QTĐH ngày 30/9/2024. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Viện CNTT đạt mức 5 SAO. Viện CNTT tiếp tục duy trì mức công bố khoa học thuộc danh mục WoS/Scopus cao, đạt tỷ lệ > 2,93 công trình/cán bộ khoa học (6,7 công trình/tiến sĩ). Các hoạt động hợp tác trong và ngoài nước về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo nghiên cứu sinh được quan tâm đẩy mạnh.
Bên cạnh Nhóm nghiên cứu mạnh về Trí tuệ nhân tạo ứng dụng, năm 2024, Nhóm nghiên cứu Hệ thống tích hợp thông minh (SISLAB) được công nhận là Nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN. SISLAB là một trong những nhóm nghiên cứu tiên phong, hàng đầu tại Việt Nam về thiết kế vi mạch số, có hợp tác rộng rãi với các nhóm nghiên cứu mạnh trên thế giới (Châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc…).
Năm 2024, Viện CNTT đã xây dựng và bảo vệ thành công nhiều đề tài nghiên cứu các cấp, đem lại nguồn lực lớn cho hoạt động KH&CN. Cụ thể, 01 đề tài trọng điểm cấp nhà nước thuộc chương trình KC.01; 01 đề tài đặc biệt thuộc Chương trình CHIPS; 02 đề tài thuộc Quỹ phát triển KH&CN; 01 đề tài cấp ĐHQGHN; 02 đề tài hợp tác với doanh nghiệp.
2) Xây dựng môi trường nghiên cứu tích cực thông qua việc tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học, sự kiện khoa học trong nước và quốc tế; tiếp đón nhiều đoàn chuyên gia và sinh viên quốc tế đến trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Viện CNTT đã bước đầu xây dựng thành công môi trường nghiên cứu tích cực thông qua việc tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học, sự kiện khoa học trong nước và quốc tế; tiếp đón nhiều đoàn chuyên gia và sinh viên quốc tế đến trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Cụ thể, trong năm 2024, Viện CNTT đã:
+) Tổ chức 2 hội nghị, hội thảo quốc tế tầm cỡ về Công nghệ thông tin và truyền thông; Thiết kế vi mạch bán dẫn.
+) Tổ chức 12 hội thảo khoa học trong nước được tổ chức định kỳ hằng tháng, tạo môi trường cho các nhà khoa học, nghiên cứu sinh trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
+) Đón tiếp hơn 20 nhà khoa học và nghiên cứu sinh nước ngoài đến làm việc, triển khai nghiên cứu khoa học tại Viện CNTT.
3) Tổ chức trao bằng tiến sĩ cho các nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo năm 2024
Năm 2025, Nhiều nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Cụ thể, 2 NCS được cấp bằng tiến sĩ; 01 NCS bảo vệ thành công LATS cấp ĐHQGHN và 02 NCS bảo vệ thành công LATS cấp cơ sở.
![](https://iti.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2024/11/image004-2-1024x768.png)
4) Triển khai nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ của nhiều cơ quan chính phủ và doanh nghiệp
Trong năm 2024, Viện CNTT tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn nhằm nâng cao vị thế ĐHQGHN và góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ tại các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Cụ thể, Viện CNTT đã triển khai đào tạo cho các đơn vị (tiêu biểu) như: Bộ Công an; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước; Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi (lớp đào tạo cán bộ nguồn); Tổng Công ty dầu PVOil và nhiều hợp đồng đào tạo cho các bộ, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp về các lĩnh vực công nghệ, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của đơn vị và gia tăng thu nhập cho cán bộ.
5) Hoạt động hợp tác trong và ngoài nước phong phú, gia tăng nguồn lực KH&CN cho đơn vị
Đón tiếp nhiều chuyên gia, nhà khoa học quốc tế đến nghiên cứu khoa học và giảng dạy tại Viện Công nghệ Thông tin. Cử nhiều lượt cán bộ đi công tác nước ngoài, tham gia nghiên cứu khoa học, hội nghị, hội thảo khoa học.
Nhằm tăng cường tiềm lực KH&CN cũng như gia tăng hoạt động đối ngoại, năm 2024 Viện CNTT đã tiếp đón nhiều chuyên gia đến tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo tại ĐHQGHN, đặc biệt có GS. Koichiro Ishibashi liên tục đến làm việc tại Viện CNTT. Trên 10 chuyên gia quốc tế đến từ Cộng hòa Pháp, Brazil, Nhật Bản, Đài Loan, Tây Ban Nha, Vương Quốc Anh, Ai-len… Bên cạnh đó, Viện CNTT cũng cử nhiều đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài tại các cơ sở giáo dục đại học và tổ chức nghiên cứu quốc tế tại Cộng hòa Ý, Vương Quốc Anh, Cộng hòa Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines…