Chiều ngày 10 tháng 11 năm 2023, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội đón tiếp đoàn công tác của Công ty Brain Matching, Italy với đại diện là ông Roberto Colonello – CEO. Tiếp đoàn về phía Viện Công nghệ Thông tin có PGS.TS. Lê Hoàng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và các thành viên của nhóm nghiên cứu mạnh về Trí tuệ nhân tạo cùng các học viên, nghiên cứu sinh quan tâm tham dự. Mở đầu hội thảo, PGS.TS. Lê Hoàng Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm khoa học và công nghệ định hướng ứng dụng, trong đó hàm lượng tri thức từ các nghiên cứu ở mức cao, thể hiện sự kết nối giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, hướng tới đổi mới sáng tạo. Trong hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo, không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp có yếu tố dẫn dắt các nghiên cứu đến gần với người sử dụng.

Đồng quan điểm này, ông Roberto Colonello đã chia sẻ về những công nghệ đang nổi bật như Blockchain (chuỗi khối), A.I Generator, AR (Thực tế ảo) và VR (Thực tế tăng cường) được các công ty như Voatz, Fireflies.AI, Mirrar, .. đã ứng dụng và thương mại hóa thành công các công nghệ này để đáp ứng nhu cầu người dùng. Tuy nhiên, trong việc sử dụng công nghệ Blockchain, đặc biệt là đối với giao dịch và tiền bạc còn tồn tại nhiều thách thức phức tạp phát sinh do vấn đề về an toàn và tính riêng tư. Việc làm cho công nghệ này thân thiện với người dùng là một thách thức lớn, đặc biệt khi sử dụng ví điện tử và tiền điện tử, trong đó các vấn đề về tốc độ, giá cả, xác minh danh tính và sự tích hợp thêm các công nghệ mới như xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), sinh ảnh và video tự động, VR và AR cũng là điểm đáng chú ý.

Ông Roberto Colonello cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đứng trên quan điểm của người dùng: “Think Like a Customer, Not a Developer”, theo đó cần phải tập trung vào việc tư duy như một khách hàng khi phát triển sản phẩm, chứ không phải chỉ nhìn từ góc độ của một nhà phát triển và đặt ra những câu hỏi quan trọng như “Sản phẩm dành cho ai?”, “Người không biết IT có thể sử dụng nó không?”, “Ai sẽ mua sản phẩm này?” và “Số lượng người mua có đủ lớn không?”. Đặt mình vào vị trí của khách hàng bao gồm việc hiểu rõ đối tượng người sử dụng, đảm bảo sự dễ sử dụng cho mọi người, và xác định giá trị thực tế trong mắt khách hàng là điều tối quan trọng để phát triển sản phẩm thành công. Ông nhấn mạnh rằng để thương mại hóa công nghệ mới, cần phải tập trung vào việc tạo ra sản phẩm thân thiện với người dùng. Ví dụ, việc xây dựng mạng xã hội trên chuỗi khối đòi hỏi người sử dụng có ví điện tử, điều này đặt ra thách thức về tính an toàn và sự dễ sử dụng. Việc thu thập ý kiến đánh giá và chọn lựa nguồn vốn đúng cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển sản phẩm.

Cuối buổi trao đổi, chuyên gia Roberto Colonello tổng kết bài trình bày bằng cách giới thiệu phương thức tạo ra giá trị cho công nghệ mới và cách thức thương mại hóa sản phẩm. Ông trích dẫn câu nói của Richard Branson – Virgin Group để thúc đẩy tinh thần sáng tạo và khám phá thêm về cách tạo ra giá trị trong kỷ nguyên công nghệ mới. Qua buổi trao đổi, các cán bộ của Viện Công nghệ Thông tin có thêm thông tin và tư vấn về việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu người dùng. Điều này đồng thời nhấn mạnh cam kết của Viện Công nghệ Thông tin trong việc tích hợp các công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Buổi trao đổi kết thúc đã mang lại những hiểu biết sâu rộng về cách công nghệ mới có thể trở thành cơ hội kinh doanh và làm thế nào để hiện thực hóa chúng trong môi trường thương mại. Cuối buổi, PGS.TS. Lê Hoàng Sơn đã dẫn đoàn công tác của Brain Matching tham quan các phòng nghiên cứu và phòng thí nghiệm tại Viện, tạo nền móng phối hợp chặt chẽ trong tương lai.

Một số ảnh của hội thảo