Ngày 18/11/2024, Viện Công nghệ Thông tin (CNTT) đã tổ chức seminar với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và nền tảng thông minh trong xử lý dữ liệu đa nguồn”. Đây là một chủ đề nghiên cứu được quan tâm nhiều trong thời gian gần đây, nhất là khi có sự xuất hiện của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh. Buổi seminar được tổ chức theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến dưới sự chủ trì của PGS.TS. Lê Hoàng Sơn – Phó Viện trưởng Viện CNTT, cùng với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, giảng viên, và sinh viên đến từ các trường đại học và doanh nghiệp.
Bài trình bày thứ nhất do NCS Trần Tuấn Toàn giới thiệu một khung phân tích dữ liệu bất thường từ các thiết bị IoT theo thời gian thực nhằm đưa ra giải pháp công nghệ hiệu quả trong việc xử lý dữ liệu lớn và phức tạp từ mạng IoT. Một khung kiến trúc đã được đề xuất để vừa phân tích hiện trạng thông tin thu thập từ các nguồn cảm biến từ môi trường, đồng thời có thể dự báo được các dữ liệu trong tương lai gần. Một số kỹ thuật tiền xử lý dữ liệu kết hợp phương pháp học máy và học sâu đã được sử dụng để đánh giá trên các kịch bản thử nghiệm khác nhau nhằm lựa chọn ra mô hình với bộ siêu tham số tối ưu nhất. Hệ thống này sẽ giúp cho nông dân có thể đưa ra được những quyết định chính xác trong việc điều khiển tự động hóa môi trường canh tác.
Tiếp đó, NCS. Nguyễn Hồng Tân đã giới thiệu một số thuật toán trên đồ thị tri thức mờ ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Bài trình bày đã giới thiệu được quá trình hình thành và phát triển mô hình đồ thị tri thức mờ, một trong những công nghệ để biểu diễn, tính toán hiệu quả trong kỷ nguyên AI kèm theo một số ví dụ ở khả năng trợ giúp ra quyết định của đồ trị tri thức mờ trong các ứng dụng lĩnh vực y tế để chẩn đoán, điều trị bệnh.
Trong kỷ nguyên dữ liệu lớn từ nhiều nguồn khác nhau, điều này đòi hỏi phải có công nghệ hỗ trợ phù hợp nhằm tích hợp dữ liệu đa nguồn, biểu diễn chúng trên đồ thị tri thức mờ và thuật toán lấy mẫu trên đồ thị để giảm bớt thời gian tính toán trên tập đầy đủ. Các kết quả thử nghiệm trên lĩnh vực chẩn đoán bệnh ban đầu đã khẳng định được hiệu quả của mô hình và có tiềm năng để áp dụng vào thực tiễn. Ngoài lĩnh vực y tế, mô hình tích hợp dữ liệu nhiều nguồn trên đồ thị tri thức mờ có thể áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống như giao thông, ngân hàng, giáo dục thông minh….
Bài trình bày cuối cùng là của NCS. Nguyễn Thị Vân Anh về công nghệ xử lý dữ liệu đa nguồn trong điều khiển các thiết bị IoT sử dụng vi điều khiển ESP32. Nghiên cứu này tập trung vào việc cung cấp kiến trúc nền tảng phần cứng cho phép tích hợp và xử lý dữ liệu môi trường đa chiều, ứng dụng thuật toán điều khiển logic mờ để tối ưu hóa hiệu suất sử dụng các thiết bị điện trong phòng. Đây là hướng nghiên cứu tiềm năng và có thể tiếp tục phát triển, ứng dụng các mô hình học máy giúp điều khiển thiết bị điện trong phòng thông minh.
Trong phần trao đổi cuối seminar, các diễn giả và người tham dự đã có những thảo luận sôi nổi, mang lại nhiều ý tưởng hữu ích cho nghiên cứu và ứng dụng AI trong tương lai. Kết thúc buổi seminar, PGS.TS. Lê Hoàng Sơn đánh giá cao nội dung các bài trình bày và khẳng định Viện CNTT sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ AI tiên tiến, tạo ra các sản phẩm công nghệ có giá trị cao phục vụ cộng đồng.