Ngày 17/7/2023, Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp đón TS. Mai Tấn Tài, Đại học Dublin, Ai-len cùng với các cán bộ nghiên cứu cộng tác tại Việt Nam trong khuôn khổ dự án ReMESH (Research Network on Emergency Resources Supply Chain) do Viện CNTT chủ trì nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong Giáo dục. Tiếp đoàn, về phía Viện Công nghệ Thông tin có PGS.TS. Lê Hoàng Sơn – Phó Viện trưởng, TS. Lê Quang Minh – Phó Viện trưởng cùng các cán bộ nghiên cứu thuộc nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN về “Giải pháp và Nền tảng thông minh trong Trí tuệ nhân tạo 4.0”.
Diễn giả, TS. Mai Tấn Tài đã chia sẻ các thông tin nhằm tăng cường hợp tác giữa Viện Công nghệ thông tin và Đại học Dublin, Ai-len trong thời gian tới thông qua bài trình bày về “Phân tích hành vi học tập của sinh viên với kỹ thuật khai phá dữ liệu đa mô thức (Multimodal Learning Analytics)”. Trong quá trình phát triển giáo dục và đào tạo, đặc biệt là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, một trong những yếu tố then chốt có ảnh hưởng lớn tới sự thành công của đào tạo là việc áp dụng các phương pháp học tập phù hợp vào quá trình giảng dạy. Đối với người dạy, các phương pháp này giúp xác định được năng lực của người học để từ đó định hướng và lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp. Đối với người học sẽ giúp hiểu được năng lực của bản thân để từ đó lựa chọn được phương pháp học tập hiệu quả.
Việc phân tích hành vi học tập của sinh viên từ dữ liệu trên hệ thống quản lý học tập (LMS) bao gồm các thông tin hồ sơ sinh viên và các thông tin tương tác của sinh viên trong quá trình học (số lượt truy cập bài giảng, dữ liệu camera, web logs,..) với các kỹ thuật Học máy (Community Detection, thuật toán Girvan-Newman, Social Network Analysis,..) sẽ giúp hiểu rõ hơn về hành vi của sinh viên khi tham gia học tập, đồng thời dự báo về hành vi tương lai, từ đó có những can thiệp phù hợp từ nhà trường.
Chia sẻ tại hội thảo, PGS. TS. Lê Hoàng Sơn cho rằng vấn đề xây dựng dữ liệu học tập mở tại Việt Nam phục vụ khai thác dữ liệu nhằm đánh giá khả năng học tập của sinh viên và xây dựng các biện pháp điều chỉnh phù hợp lả rất quan trọng. Đồng quan điểm này, PGS. TS. Nguyễn Hà Nam (Trưởng khoa CNTT, Trường ĐH Điện Lực, điều phối dự án ReMESH) cũng cho rằng cần triển khai áp dụng công nghệ này ở Việt Nam trong thời gian tới cũng như xây dựng các nhóm nghiên cứu chuyên sâu về Trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong Giáo dục thông minh.
Kết thúc hội thảo, hai bên nhất trí sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác, cả về chiều sâu lẫn đa dạng hóa hình thức hợp tác. Đặc biệt, trong thời gian tới hai bên sẽ hình thành các nghiên cứu chung về xây dựng kho dữ liệu cho nền tảng Giáo dục thông minh cũng như tiến hành các seminar chuyên sâu để xây dựng các chương trình nghiên cứu và dự án song phương Việt Nam – Ireland.