Chiều ngày 25/7/2023, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Ứng dụng IoT thông minh: từ nghiên cứu phát triển đến khởi nghiệp (Smart IoT Applications: from R&D to Startup)”. Buổi hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp tại phòng 603, nhà E3 kết hợp trực tuyến qua nền tảng Zoom. PGS.TS. Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin (CNTT) chủ trì hội thảo. Tham gia buổi hội thảo có các nhà khoa học trong và ngoài Viện CNTT cũng như đông đảo sinh viên, nghiên cứu sinh tới từ các trường đại học, trung tâm nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ.

Mở đầu hội thảo, ThS. Trần Tuấn Anh, tốt nghiệp trường Đại học Điện tử-Truyền thông Nhật Bản (UEC), giới thiệu kết quả nghiên cứu phát triển và xúc tiến thương mại đối với sản phẩm Beat Sensor (cảm biến nhịp đập) trong các thiết bị IoT năng lượng thấp, tự động thu thập năng lượng với độ chính xác cao và truyền thông tầm xa sử dụng công nghệ truyền thông LoRa. Sản phẩm thử nghiệm cho phép truyền thông ở khoảng cách 5,25km (kiểm thử tại sông Tama, Tokyo, Nhật Bản). Ngoài ra, thiết bị cho phép sử dụng trong cả ngày mà không cần sử dụng các nguồn nuôi ngoài khác. Phần thảo luận đã là rõ hơn các đóng góp của tác giả trong công trình trên, cũng như những gợi ý, đề xuất để phát triển sản phẩm.

Báo cáo thứ hai của TS. Mai Đức Thọ, tốt nghiệp tại trường Đại học Điện tử-Truyền thông Nhật Bản (UEC), hiện đang công tác tại Học viện Kỹ thuật Mật mã, đã trình bày giới thiệu mô hình thu gọn của mạng nơ-ron tích chập (CNN) dùng trong các thiết bị biên giới hạn tài nguyên. Mô hình đề xuất giảm thời gian huấn luyện cũng như giảm số lượng tham số của mô hình. Các cải tiến này giúp mô hình CNN phù hợp với các thiết bị biên có tài nguyên phần cứng thấp. Chủ đề này thu hút đông đảo các phần thảo luận, làm rõ, cũng như đóng góp để phát triển mô hình trên các thiết bị phần cứng FPGA.