Ngày 25/03/2025, Viện Công nghệ Thông tin (CNTT), Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức seminar công nghệ với chủ đề: “Distributed Information Fusion for Multitarget Tracking” (tiếng Việt: “Phân phối thông tin hợp nhất trong theo dõi đa mục tiêu”) do GS. Reza Hoseinnezhad – chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực xử lý tín hiệu và theo dõi đa mục tiêu tại Đại học RMIT, Australia trình bày. Hội thảo được chủ trì bởi PGS.TS. Lê Hoàng Sơn, Phó Viện trưởng Viện CNTT. Tham dự hội thảo, về phía Viện CNTT còn có TS. Dương Quang Khánh – Trưởng phòng KHCN&ĐT, TS. Bùi Duy Hiếu – Trưởng phòng thí nghiệm AIoT, cùng tập thể các nghiên cứu sinh, cán bộ và chuyên gia của Viện.
Đây là một trong những nội dung quan trọng trong thỏa thuận hợp tác giữa ĐHQGHN và ĐH RMIT trong nghiên cứu và phát triển KHCN&ĐMST về lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là ứng dụng AI vào việc tự động hóa theo dõi đa mục tiêu, đóng vai trò thiết yếu trong các hệ thống phương tiện tự hành và quốc phòng hiện nay. Sự kiện này diễn ra nằm trong chuỗi hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Viện CNTT và các đối tác quốc tế, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng AI vào thực tiễn. Sự kiện đã mang đến cơ hội trao đổi học thuật giữa các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên, đồng thời mở ra nhiều hướng hợp tác mới trong nghiên cứu và triển khai các ứng dụng AI tiên tiến.
GS. Reza Hoseinnezhad đã trình bày kỹ thuật bộ lọc Labeled Multi-Bernoulli (LMB), một giải pháp tiên tiến giúp theo dõi nhiều mục tiêu trong môi trường có nhiễu cao. Công nghệ này có tiềm năng ứng dụng trong các hệ thống giám sát, quốc phòng và phương tiện tự hành. Tiếp theo là kỹ thuật hợp nhất dữ liệu phân tán (Distributed Information Fusion), phương pháp giúp tích hợp thông tin từ nhiều nền tảng cảm biến khác nhau, từ đó cải thiện khả năng ra quyết định trong thời gian thực.
Cuối cùng, GS. Hoseinnezhad nhấn mạnh ứng dụng AI trong xử lý tín hiệu cảm biến, tận dụng sức mạnh của học máy và trí tuệ nhân tạo để phát hiện, phân tích chuyển động đa mục tiêu, đồng thời nâng cao tính tự chủ cho các hệ thống thông minh như xe tự hành, máy bay không người lái và robot cộng tác.
Hội thảo không chỉ mang đến những kiến thức chuyên sâu về AI ứng dụng mà còn thể hiện sự cam kết của Viện CNTT trong việc kết nối tri thức, thúc đẩy hợp tác khoa học và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn. Trong thời gian tới, Viện CNTT sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước, đặc biệt trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo và xử lý dữ liệu lớn để thúc đẩy các dự án nghiên cứu chung và chương trình trao đổi học thuật, góp phần đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tế, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.