Ngày 26/09/2024, Viện Công nghệ Thông tin (CNTT) đã tổ chức seminar với chủ đề “AI ứng dụng trong các hệ thống giám sát” (tiếng Anh: “Applied AI Systems for Surveillance”). Đây cũng là một trong những hướng nghiên cứu chính về Trí tuệ nhân tạo (AI) ứng dụng tại Viện CNTT. Buổi seminar được tổ chức dưới sự chủ trì của PGS.TS. Lê Hoàng Sơn – Phó Viện trưởng Viện CNTT, cùng với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, giảng viên, và sinh viên đến từ các trường đại học và doanh nghiệp.

PGS.TS. Lê Hoàng Sơn phát biểu khai mạc seminar

Seminar mở đầu với phần trình bày của Phó Giáo sư Guruswami Ranaa – một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực Kỹ thuật Điện – Điện tử, về dự án nghiên cứu tiên phong ứng dụng AI vào hệ thống giám sát sức khỏe từ xa cho người cao tuổi. Giáo sư Ranaa hiện là giảng viên tại Đại học Kỹ thuật Chennai, Ấn Độ và đã tham gia nhiều dự án về chăm sóc sức khỏe thông minh.

Bài trình bày của Giáo sư Ranaa tập trung vào việc ứng dụng công nghệ Internet of Things (IoT) trong giám sát sức khỏe cho người cao tuổi, đặc biệt là ở những khu vực nông thôn Ấn Độ, nơi dịch vụ y tế còn hạn chế. Hệ thống này theo dõi các chỉ số như nhịp tim, huyết áp, và mức đường huyết thông qua các cảm biến thông minh. Dữ liệu thu thập được truyền tải theo thời gian thực đến bác sĩ qua nền tảng đám mây, giúp họ dễ dàng phân tích và đưa ra chẩn đoán từ xa.

Bài trình bày của PGS. Guruswami Ranaa (Chennai, Ấn Độ)

Giáo sư Ranaa cũng nhấn mạnh lợi ích của hệ thống giám sát này, không chỉ giúp người cao tuổi theo dõi tình trạng sức khỏe mà còn hỗ trợ bác sĩ can thiệp kịp thời khi phát hiện các dấu hiệu bất thường. Hệ thống này đặc biệt hữu ích trong việc giảm bớt khó khăn trong việc di chuyển đến bệnh viện và tiết kiệm chi phí y tế cho người dân ở vùng nông thôn.

Bài trình bày còn đề cập đến vai trò của AI và IoT trong việc cải thiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông minh. Theo Giáo sư Ranaa, việc ứng dụng AI và IoT không chỉ giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe mà còn mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên và nhà nghiên cứu trong việc phát triển các ứng dụng AI mới, thúc đẩy sự hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp.

Kiến trúc hệ thống

Bài trình bày thứ 2 là của chuyên gia Martin Abreka đến từ Bộ Điện lực Tiểu bang Cross River, Nigeria và là thành viên Hiệp hội Kỹ sư Nigeria, Viện Kỹ sư Điện và Điện tử Nigeria. Ông Martin Abreka giới thiệu ứng dụng các thuật toán trí tuệ nhân tạo trong phát hiện trộm cắp năng lượng tại Nigeria hiện nay. Trộm cắp điện vẫn là một tổn thất lớn mà các công ty phân phối điện phải gánh chịu. Trộm cắp này chủ yếu phát sinh do các hoạt động do người tiêu dùng thực hiện như bỏ qua đồng hồ đo năng lượng, giả mạo đồng hồ đo năng lượng, v.v.

Phát hiện trộm cắp năng lượng tại Nigeria

Tổn thất năng lượng thường được phân loại thành tổn thất kỹ thuật (TL) và tổn thất phi kỹ thuật (NTL). Trên thực tế, trộm cắp điện chủ yếu xảy ra thông qua các cuộc tấn công vật lý như khai thác đường dây, phá vỡ đồng hồ hoặc giả mạo số đọc đồng hồ. Những hành vi gian lận điện này có thể gây ra tổn thất doanh thu cho các công ty điện lực. Ví dụ, tổn thất do trộm cắp điện gây ra ước tính khoảng 4,5 tỷ đô la mỗi năm tại Hoa Kỳ (US). Và ước tính các công ty tiện ích trên toàn thế giới mất hơn 20 tỷ đô la mỗi năm do trộm điện. Ngoài ra, hành vi trộm điện cũng có thể ảnh hưởng đến an toàn hệ thống điện. Ví dụ, tải trọng lớn của hệ thống điện do trộm điện có thể dẫn đến hỏa hoạn, đe dọa đến an toàn cộng đồng. Do đó, phát hiện trộm điện chính xác là rất quan trọng đối với sự an toàn, ổn định và an ninh tài chính của lưới điện.

Trong phần trao đổi cuối seminar, các diễn giả và người tham dự đã có những thảo luận sôi nổi, mang lại nhiều ý tưởng hữu ích cho nghiên cứu và ứng dụng AI trong tương lai. Kết thúc buổi seminar, PGS.TS. Lê Hoàng Sơn đánh giá cao nội dung bài trình bày và khẳng định Viện CNTT sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm phát triển các giải pháp công nghệ AI tiên tiến, phục vụ cho cộng đồng.

Kết thúc seminar

Xem chi tiết buổi seminar ở đây:

https://www.youtube.com/watch?v=VYF3yTGoenE&t=1462s