Ngày 14/10/2024, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức thành công seminar khoa học với chủ đề “Khám phá ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn – Exploring AI Applications and Semiconductor” với sự phối hợp của Hiệp hội Mạch và Hệ thống IEEE (IEEE CASS). Seminar khoa học này là một sự kiện quan trọng, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu đến từ Hàn Quốc và Việt Nam trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn. Đây là cơ hội để cộng đồng khoa học và công nghệ gặp gỡ, chia sẻ những tiến bộ mới nhất trong nghiên cứu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của AI và bán dẫn tại Việt Nam và trên thế giới. GS.TS. Trần Xuân Tú – Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội và GS.TS. Hanho Lee – Đại học Inha, Hàn Quốc đồng chủ trì seminar.
Sự kiện có sự tham gia của nhiều diễn giả nổi tiếng. Bài trình bày của GS.TS. Myung Hoon Sunwoo (Đại học Ajou, Hàn Quốc), Chủ tịch IEEE CASS đã mang đến cái nhìn sâu sắc về cách Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) đang cách mạng hóa lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như phát hiện sớm các bệnh lý như vàng mắt (bệnh lý về gan) và Alzheimer. Những ứng dụng này không chỉ giúp cải thiện hiệu quả y tế mà còn đặt nền móng cho một kỷ nguyên công nghệ mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đã trình bày về tiềm năng của trí tuệ nhân tạo và học sâu (DL) trong việc cải thiện chăm sóc sức khỏe số. Bên cạnh đó, GS.TS. Myung Hoon Sunwoo cũng nhấn mạnh đến những thách thức trong việc phát triển các hệ thống tăng tốc phần cứng cho AI thiết bị biên và máy chủ.
GS.TS. Hanho Lee (Đại học Inha, Hàn Quốc), Phó Chủ tịch IEEE CASS, đã trình bày một báo cáo quan trọng về thiết kế kiến trúc phần cứng cho mã hóa hậu lượng tử (Post-Quantum Cryptography). Với những thách thức của kỷ nguyên máy tính lượng tử, GS. Lee đã giới thiệu các phương pháp mã hóa tiên tiến như Ring-LWE và các kỹ thuật sinh khóa KEM dựa trên Module Lattice, nhằm đảm bảo an toàn cho dữ liệu AI. Ông cũng chia sẻ về các thách thức trong việc tích hợp các công nghệ này vào các hệ thống phần cứng nhúng, đặc biệt là các thiết bị biên, nơi mà khả năng tính toán và bảo mật cần được tối ưu.
Không chỉ các chuyên gia quốc tế, hai nhà khoa học Việt Nam là TS. Phạm Minh Triển (Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN) và TS. Mai Đức Thọ (Học viện Kỹ thuật Mật mã) cũng đã chia sẻ những bước tiến của AI trong các lĩnh vực ứng dụng thực tiễn. TS. Triển giới thiệu về các mô hình AI nhỏ gọn giúp tối ưu hóa nông nghiệp thông minh, một lĩnh vực đang phát triển mạnh tại Việt Nam. Trong khi đó, TS. Thọ đã gây ấn tượng với những giải pháp triển khai nhận diện khuôn mặt trên các thiết bị phần cứng nhúng với công nghệ TinyML, mở ra nhiều tiềm năng cho các ứng dụng AI trong đời sống hằng ngày.
Seminar khoa học IEEE CASS Vietnam-Korea 2024 “Khám phá ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn” không chỉ tạo ra cơ hội kết nối và trao đổi tri thức mà còn khẳng định sự gắn kết chặt chẽ với các hướng nghiên cứu chủ chốt của Viện Công nghệ Thông tin: Thiết kế vi mạch bán dẫn, Trí tuệ nhân tạo (AI), và An toàn thông tin. Những nội dung được thảo luận tại seminar – từ thiết kế phần cứng cho AI, mã hóa hậu lượng tử, đến ứng dụng AI trong nông nghiệp và nhận diện khuôn mặt – đều phản ánh tính thời sự và tầm quan trọng của các lĩnh vực này trong bối cảnh công nghệ đang thay đổi nhanh chóng. Đây là minh chứng cho việc Viện Công nghệ Thông tin không chỉ bắt kịp xu hướng toàn cầu mà còn từng bước khẳng định vị trí dẫn đầu trong nghiên cứu và phát triển những công nghệ tiên tiến, đóng góp vào sự phát triển của cả lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam và thế giới.
Tại seminar, TS. Bùi Duy Hiếu cũng đã trình bày các hoạt động của IEEE CASS Vietnam Chapter và các hoạt động nghiên cứu, đào tạo của Nhóm nghiên cứu Hệ thống tích hợp thông minh (SISLAB) trong thời gian vừa qua liên quan đến thiết kế vi mạch bán dẫn và các bộ tăng tốc phần cứng cho trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật.