Ngày 18/06/2024, Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN đã tổ chức seminar với chủ đề “Khai phá thông minh trong quản lý rủi ro chuỗi cung ứng” (tiếng Anh: “Smart mining in risk management in supply chain”). Buổi seminar được tổ chức dưới sự chủ trì của PGS.TS. Lê Hoàng Sơn – Phó Viện trưởng Viện CNTT cùng với sự tham gia của cán bộ khoa học, nghiên cứu sinh của Viện Công nghệ Thông tin và các giảng viên, chuyên gia, sinh viên đến từ các trường đại học và doanh nghiệp.
Buổi seminar bắt đầu với báo cáo về “From Patterns to Progress: Leveraging AI for a Thriving Workforce” của Tiến sĩ Adeela Farqan đề cập đến nhiều chủ đề liên quan đến tâm lý tổ chức, nghiên cứu tính cách và tích hợp AI vào nơi làm việc.
Tiến sĩ Adeela Farquan có bằng Tiến sĩ về Tâm lý học Tổ chức (Organizational Psychology) của Đại học Dublin City (DCU) Ireland, đồng thời cũng là giảng viên tại Trường Kinh doanh DCU. Trong quá trình làm việc và nghiên cứu tại DCU, TS. Farquan có tham gia vào dự án ReMESH – một trong những dự án lớn được triển khai bởi Mạng lưới nghiên cứu về chuỗi cung ứng tài nguyên khẩn cấp.
Bài trình bày của TS. Adeela Farqan khám phá mối quan hệ giữa tâm lý học tổ chức và AI để nâng cao hiệu suất và phúc lợi của lực lượng lao động. Bài trình bày tập trung vào một số nội dung chính như: (1) Nghiên cứu hành vi con người trong môi trường làm việc bao gồm: Ảnh hưởng của các đặc điểm tính cách ổn định lên hành vi; Nghiên cứu tác động của các yếu tố tình huống lên hành vi; và Các vấn đề đạo đức và sự phi nhân hóa nhanh chóng; (2) Tập trung vào động lực, tuyển chọn nhân sự, đào tạo, phát triển và cân bằng công việc, cuộc sống. (3) AI trong Tâm lý học Tổ chức: Đơn giản hóa quy trình tuyển dụng và theo dõi hiệu suất; Thúc đẩy công bằng và phân tích hành vi tổ chức; Giám sát sức khỏe tâm thần và cung cấp can thiệp cá nhân; và Hỗ trợ các khu vực xa xôi.
Bài thuyết trình nêu rõ việc tích hợp Tâm lý học Tổ chức và AI có thể mang lại nhiều lợi ích cho lực lượng lao động, nhưng cần phải được thực hiện một cách cẩn trọng và có trách nhiệm để đảm bảo một môi trường làm việc công bằng và lành mạnh.
Bài trình bày tiếp theo của nghiên cứu sinh Xinyue Wang, đến từ ĐH Manchester, Vương quốc Anh với nội dung tập trung một số vấn đề như: i) Tầm quan trọng của Phân tích Dữ liệu lớn và Khả năng phục hồi; ii) Tác động của gián đoạn chuỗi cung ứng do thảm họa và vai trò của dữ liệu lớn trong việc làm giảm những tác động tiêu cực này; iii) Cung cấp hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp trong việc áp dụng công nghệ dữ liệu lớn để nâng cao khả năng phục hồi.
Trong buổi seminar, các diễn giả đã có những trao đổi rất hữu ích cùng với các nghiên cứu sinh của Viện, các thính giả tại phòng cũng như thính giả online qua nền tảng Zoom. Kết thúc seminar, PGS. TS. Lê Hoàng Sơn đánh giá cao nội dung trình bày và các giá trị mà các diễn giả mang lại, đồng thời đề nghị mở rộng nghiên cứu thông qua các hợp tác lâu dài với Viện CNTT trong lĩnh vực liên quan đến chuyên môn của mình.