Sáng ngày 3/4/2025, ông Lê Minh Hoan – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội – đã có chuyến thăm và làm việc tại Không gian Đổi mới Sáng tạo (VNU-RMIT Innovation Hub), Viện Công nghệ Thông tin, trong khuôn khổ chương trình khảo sát thực tế phục vụ thẩm tra Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo của Đoàn công tác thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội.

Về phía Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), tham gia đón tiếp và làm việc với đoàn có các Phó Giám đốc ĐHQGHN – PGS.TS. Nguyễn Hiệu, PGS.TS. Phạm Bảo Sơn và PGS.TS. Đào Thanh Trường.

Đón tiếp đoàn công tác tại Viện Công nghệ Thông tin có GS.TS. Trần Xuân Tú – Viện trưởng, PGS.TS. Lê Hoàng Sơn – Phó Viện trưởng, cùng các nhà khoa học chủ chốt của Viện.

Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã nghe giới thiệu mô hình hoạt động của VNU-RMIT Innovation Hub – không gian đổi mới sáng tạo tiên phong tại ĐHQGHN, hợp tác giữa Đại học RMIT và Viện Công nghệ Thông tin – ĐHQGHN, với sứ mệnh thúc đẩy nghiên cứu liên ngành, phát triển công nghệ trọng điểm và ươm tạo các sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ cộng đồng và doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan và các thành viên trong đoàn đã đánh giá cao cách tiếp cận linh hoạt, sáng tạo của ĐHQGHN trong việc xây dựng hệ sinh thái khoa học – công nghệ – đổi mới sáng tạo, góp phần hiện thực hóa các định hướng lớn của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế tri thức, chuyển đổi số và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chuyến thăm là dịp để các nhà lập pháp hiểu rõ hơn về thực tiễn triển khai hoạt động khoa học và đổi mới sáng tạo tại các cơ sở nghiên cứu – đào tạo trọng điểm, từ đó góp phần hoàn thiện chính sách và pháp luật phù hợp với yêu cầu phát triển mới.

Phát biểu tại buổi làm việc sau đó, GS. Trần Xuân Tú – Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN chỉ ra sự bất cập trong đầu tư cho KH&CN khi việc cấp kinh phí nghiên cứu không đồng bộ với đầu tư cơ sở vật chất. Ông đề xuất cần có một cơ chế đầu tư tổng thể, đảm bảo trang thiết bị thí nghiệm phù hợp với các hướng nghiên cứu. Về tính tự chủ của các tổ chức KH&CN, GS. Tú cho rằng việc kiểm soát chặt chẽ kinh phí nghiên cứu hiện nay làm giảm tính linh hoạt và sáng tạo. Ông đề xuất trao quyền tự chủ cao hơn, cho phép các đơn vị nghiên cứu hoạt động tương tự doanh nghiệp, tự quyết định và chịu trách nhiệm về kết quả đầu ra. GS. Tú nhấn mạnh cần tạo điều kiện để các trường đại học trở thành “nam châm” thu hút doanh nghiệp và nguồn lực xã hội, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ một cách hiệu quả hơn.

Tin bài về buổi làm việc: https://vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N36664/Kien-tao-nen-tang-phap-ly-thuc-day-doi-moi-sang-tao,-dua-KH&CN-tro-thanh-tru-cot-cho-su-phat-trien-dat-nuoc-trong-ky-nguyen-moi.htm