Ngày 3/12/2024, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã ban hành Quyết định số 5547/QĐ-ĐHQGHN về việc phê duyệt Đề án phát triển Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN đến năm 2030. Cùng với việc phê duyệt Đề án vị trí việc làm, số người làm việc và cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức của Viện CNTT, Đề án phát triển Viện CNTT đến năm 2030 đã xác định mục tiêu của Viện CNTT đến năm 2030 là “Trở thành viện nghiên cứu và đào tạo xuất sắc, thuộc nhóm dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin và bán dẫn tại Việt Nam; trong đó, một số lĩnh vực thế mạnh của Viện vươn tầm quốc tế, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ, kinh tế – xã hội của đất nước.”

Để thực hiện các mục tiêu đó, Viện CNTT xác định kế hoạch và giải pháp thực hiện như sau:

1. Về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

  • Phát triển một số lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên, các công nghệ lõi, sản phẩm ứng dụng là thế mạnh của Viện như: (i) Công nghệ trí tuệ nhân tạo; (ii) Thiết kế vi mạch bán dẫn; (iii) An toàn thông tin và Chuyển đổi số; (iv) Điều khiển thông minh và công nghệ robot; (v) Công nghệ tính toán và hạ tầng dữ liệu.
  • Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu – đào tạo – sản xuất. Nguồn thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hóa và hỗ trợ khởi nghiệp tăng ít nhất 15% năm 2025 và 20% năm 2030.
  • Tỷ lệ công bố quốc tế (WoS/Scopus) trung bình 2,1 bài/cán bộ khoa học/năm; đến năm 2030 là 3 bài/cán bộ khoa học/năm. Số lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ trung bình 0,3 đơn/cán bộ khoa học/năm. Đến năm 2030 trung bình 0,6 đơn/cán bộ khoa học/năm.
  • Bồi dưỡng và phát hiện các nhà khoa học xuất sắc làm trưởng nhóm nghiên cứu theo 5 lĩnh vực ưu tiên: (i) Công nghệ trí tuệ nhân tạo; (ii) Thiết kế vi mạch bán dẫn; (iii) An toàn thông tin và Chuyển đổi số; (iv) Điều khiển thông minh và công nghệ robot; (v) Công nghệ tính toán và hạ tầng dữ liệu. Đến năm 2030, có 05 nhà khoa học xuất sắc theo chuẩn quốc tế; 05 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN.
  • Thành lập, nâng cấp tạp chí quốc tế được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu Scopus và/hoặc cơ sở dữ liệu Web of Science (WoS) đến năm 2030 là 01 tạp chí.
  • Số doanh nghiệp được thành lập (doanh nghiệp spin-off) từ các nhiệm vụ nghiên cứu, sản phẩm khoa học công nghệ của Viện đến năm 2030 là 01 doanh nghiệp.
  • Xây dựng 01 báo cáo thường niên/năm với các thông tin tổng quát, bao trùm về trí tuệ nhân tạo.

2. Về đào tạo

  • Mở rộng quy mô tuyển sinh từ mức quy mô 5 nghiên cứu sinh/năm trong năm 2024, tăng lên tới 10 nghiên cứu sinh/năm vào năm 2030, đưa Viện trở thành một trung tâm đào tạo tiến sĩ lĩnh vực công nghệ thông tin hàng đầu tại Việt Nam. Trong đó, tỷ lệ nghiên cứu sinh là người nước ngoài đạt 15%.
  • Tổ chức 02 chương trình đào tạo thạc sĩ “Khoa học và Kỹ thuật máy tính” và “Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo” do ĐHQGHN cấp bằng.
  • Tổ chức các chương trình đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ như Thiết kế vi mạch bán dẫn; Trí tuệ nhân tạo ứng dụng; An toàn thông tin,… Doanh số thu được đến năm 2030 đạt mục tiêu đạt 5 tỷ đồng.
  • Phối hợp đào tạo đại học với các đơn vị thành viên, trực thuộc của ĐHQGHN đồng xây dựng, mở mới 01 chương trình đào tạo trình độ đại học, với quy mô 100 sinh viên/năm.
  • Tham gia nghiên cứu và đào tạo về lĩnh vực công nghiệp bán dẫn thuộc Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” theo Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Về hợp tác và phát triển

  • Số lượng cán bộ nghiên cứu quốc tế đến công tác, hợp tác nghiên cứu tại Viện hằng năm là 10 người, đến năm 2030 là 30 người.
  • Tăng nguồn thu từ khai thác, thực hiện các Chương trình và Dự án được tài trợ, viện trợ không hoàn lại là 10%/năm, đến năm 2030 là 15% trong tổng nguồn thu .

4. Về cơ cấu tổ chức và nhân lực

  • Cơ cấu tổ chức: Hoàn thiện cơ cấu tổ chức gồm các đơn vị: Số phòng/trung tâm nghiên cứu/Trung tâm dịch vụ và bảo đảm số nhân sự tương ứng về cấp Trưởng/Phó và chuyên viên phù hợp với Nghị định 106/2020/NĐ-CP ngày 19/9/2020 quy định về vị trí việc làm và số lượng người trong đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
  • Nhân lực: Tuyển dụng, thu hút, phát triển mới cán bộ khoa học có trình độ từ tiến sĩ trở lên là 2 tiến sĩ/năm, đến năm 2030 là 5 tiến sĩ/năm.

5. Về công tác tài chính và cơ sở vật chất

  • Tăng nguồn thu của đơn vị và thu nhập bình quân của cán bộ đạt mức 15 – 20%/năm vào năm 2026 và 20-25%/năm vào năm 2030, từng bước gia tăng mức độ tự chủ kinh phí hoạt động.
  • Quản lý và khai thác có hiệu quả Không gian đổi mới sáng tạo phối hợp giữa ĐHQGHN và Trường Đại học RMIT Việt Nam tại Hòa Lạc.
  • Xây dựng lộ trình cụ thể đến năm 2030 chuyển trụ sở làm việc của Viện lên Hòa Lạc.

Giám đốc ĐHQGHN đã giao cho Văn phòng, các Ban chức năng của ĐHQGHN nghiên cứu, đề xuất các giải pháp; đồng thời tham mưu, tư vấn cho Giám đốc ĐHQGHN theo lĩnh vực phụ trách nhằm hỗ trợ tối đa các nguồn lực để Viện Công nghệ Thông tin triển khai thực hiện hiệu quả Đề án này. Viện CNTT chủ trì, phối hợp với các đơn vị, cá nhân có liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án nhằm góp phần thực hiện Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Xem chi tiết Quyết định số 5547/QĐ-ĐHQGHN về việc phê duyệt Đề án phát triển Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN đến năm 2030 tại đây.