Chiều ngày 24/8/2023, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiếp đón, trao đổi hợp tác với đoàn công tác của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Đài Bắc, Trung Quốc (NTUST) do GS. Shuo-Yan Chou dẫn đầu. Tại buổi làm việc, GS. Chou có bài trình bày với chủ đề “Các mô hình dịch vụ thông minh, bền vững hướng dữ liệu và thực thi công nghệ” (Technology-Enabled Data-Driven Smart and Sustainable Services). PGS.TS. Lê Hoàng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin (CNTT) chủ trì. Tham gia cuộc họp có TS. Đinh Văn Dũng, nguyên Phó Viện trưởng Viện CNTT, các nhà khoa học, nghiên cứu sinh của Viện CNTT.
Trong thời đại công nghệ số, cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), Metaverse, Web 3.0, tiền điện tử (Stablecoin), mạng xã hội, truyền thông 6G, Big data, Blockchain và Internet of Things (IoT) đang thúc đẩy sự thay đổi toàn diện về cách thức quản lý, trao đổi và sử dụng thông tin. Những công nghệ này đang trở thành những công cụ quan trọng để tạo ra những hệ thống thông tin an toàn, thông minh, hiệu quả và đáng tin cậy trong nhiều lĩnh vực vực (giáo dục, giao thông, y tế, phát triển kinh tế, khai thác năng lượng…). GS Chou đã chia sẻ về các mô hình đang ứng dụng tại NTUST bao gồm mô hình kiến trúc về IoT kết hợp cả 3 công nghệ AI, Blockchain, tính toán biên ứng dụng trong lĩnh vực phục vụ chăm sóc sức khỏe, giao thông công cộng.
Việc sử dụng năng lượng trên thế giới ngày càng tăng nhanh đã làm dấy lên mối lo ngại về khó khăn về nguồn cung, cạn kiệt nguồn năng lượng và tác động nặng nề đến môi trường (như sự nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu, v.v.). Vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả, hay là tiết kiệm năng lượng, là mục tiêu giảm lượng năng lượng cần thiết để cung cấp sản phẩm và dịch vụ. Với mục đích khai thác hai quan điểm cung và cầu năng lượng, GS Chou cũng giới thiệu nghiên cứu ba khía cạnh chính: Dự đoán thế hệ, nền tảng giám sát và bảo trì với việc sử dụng công nghệ Blockchain nhằm phát triển không gian chia sẻ trong nền kinh tế số. Hiện nay nhiều người có xu hướng làm việc ở mọi nơi nên không gian chia sẻ có thể mang lại lợi thế bằng cách cung cấp không gian và cơ sở vật chất/thiết bị theo mục đích sử dụng. Để triển khai các ứng dụng này cần đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu thu thập từ thiết bị, sự thông suốt của cơ chế thanh toán, bảo trì cơ sở vật chất và thiết bị và quan trọng nhất là mức đầu tư. Qua đó đảm bảo tính minh bạch, tính toàn vẹn và tích hợp của dữ liệu và quy trình trong sản phẩm.
Chia sẻ tại buổi họp, PGS.TS.Lê Hoàng Sơn cho rằng vấn đề ứng dụng AI và các nền tảng ứng dụng tiên tiến khác nhau nhằm xây dựng các sản phẩm phục vụ cho đời sống là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Nguồn dữ liệu IoT thu thập được có thể được sử dụng để giải đáp nhiều vấn đề phức tạp trong các lĩnh vực khác nhau như y tế, tài chính, tiếp thị và khoa học môi trường… Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo (AI) từ khi ra đời đã làm thay đổi nhiều cuộc sống ngày nay, nhờ vào những tiến bộ trong thuật toán Học máy và sức mạnh tính toán, do đó AI mang lại kết quả tuyệt vời trong nhiều ứng dụng và lĩnh vực. Cùng quan điểm này, TS Đinh Văn Dũng cũng trao đổi những kĩ thuật, những kinh nghiệm trong việc triển khai Hệ thống giáo dục thông minh ở Việt Nam hiện nay.
Cuối buổi họp, hai bên đã trao đổi và chỉ ra những ý tưởng, đề xuất nhằm tăng cơ hội hợp tác và ứng dụng về mô hình dịch vụ thông minh, bền vững hướng dữ liệu và thực thi trong thời đại công nghệ 4.0. PGS.TS. Lê Hoàng Sơn cũng gợi mở hướng hợp tác về triển khai dự án Bản sao số (Digital Twin) và Tòa nhà thông minh (Smart Building) giữa NTUST và Viện Công nghệ Thông tin, cũng như hợp tác triển khai sản phẩm tại Triển lãm Smart City Expo 2024.