Năm 2022 là một năm đặc biệt đối với toàn thể cán bộ Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội trong nỗ lực vượt qua dịch bệnh Covid-19, quay lại trạng thái làm việc “bình thường mới” để hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch. Điểm lại một số sự kiện và thành tựu quan trọng như sau:

5 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU NĂM 2022

1) Khai trương Phòng Thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật (AIoT Lab) phối thuộc giữa Viện CNTT và Trường Quốc tế

Việc hình thành PTN AIoT đã tạo ra một không gian nghiên cứu mở, năng động và sáng tạo cho cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên của hai đơn vị cùng trao đổi học thuật, tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển các hướng nghiên cứu chuyên sâu thuộc lĩnh vực Internet vạn vật (IoT) và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Phòng thí nghiệm AIoT cũng giúp cho Viện CNTT gia tăng nguồn lực triển khai các hoạt động khoa học công nghệ.

2) Mở chương trình đào tạo Tiến sỹ mới về Khoa học và Kỹ thuật máy tính

Chương trình đào tạo kết hợp thế mạnh của Viện CNTT và nhu cầu nhân lực trình độ cao trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và Chuyển đổi số, kết hợp phần cứng và phần mềm trong lĩnh vực CNTT-TT theo xu thế chung trên thế giới. Bên cạnh đó, NCS Lê Minh Tuấn là nghiên cứu sinh đầu tiên của Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN bảo vệ thành công luận án tiến sỹ.

3) Tổ chức thành công Hội nghị khoa học quốc tế IEEE về Thiết kế vi mạch và Công nghệ chế tạo

Hội nghị thu hút nhiều chuyên gia công nghệ hàng đầu từ các tập đoàn công nghệ và gần 120 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ tham dự trực tiếp. Hội nghị có sự góp mặt của nhiều chuyên gia (CEO, CTO) của các hãng công nghệ nổi tiếng như SK hynix, NXP, ON Semiconductor, Soitec, NanoAcademic, Truechip Solutions… Toàn bộ báo cáo tại hội nghị được đăng tải toàn văn trên cơ sở dữ liệu trực tuyến của IEEE và Scopus. Hội nghị giúp nâng tầm ảnh hưởng và vị thế của Viện CNTT nói riêng và ĐHQGHN nói chung trên bản đồ khoa học công nghệ thế giới.

4) Tổ chức thành công Hội thảo quốc tế về Y tế thông minh trong kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo và nhiều hội thảo chuyên ngành khác

Hội thảo quốc tế về Y tế thông minh trong kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo (SMART HEALTHCARE WORKSHOP 2022) với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế trình bày các kết quả nghiên cứu và ứng dụng về Y tế thông minh. Đây là diễn đàn khoa học hợp tác về Y tế thông minh giữa Viện CNTT và Trung tâm nghiên cứu dịch vụ công nghiệp nhận dạng thông minh – Đại học Khoa học Kỹ thuật Quốc gia Vân Lâm (YunTech IRIS) nhằm tạo ra cơ hội để người tham dự hội thảo học hỏi, trao đổi, ghi nhận những số liệu, nghiên cứu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ liên quan đến Y tế thông minh trong nước, trong khu vực và trên thế giới.

5) Tổ chức thành công Cuộc thi Hackathon khu vực Đông Nam Á với chủ đề Đô thị đại học thông minh (Smart Campus)

Cuộc thi Hackathon khu vực Đông Nam Á năm 2022 về chủ đề Đô thị đại học thông minh (Smart Campus) được tổ chức với nhiều đội sinh viên, nghiên cứu sinh đến từ 6 nước trong khu vực Đông Nam Á tham gia. Cuộc thi đem lại nhiều trải nghiệm và tạo động lực cho sinh viên, nghiên cứu sinh trong hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ giải quyết bài toán thực tiễn của cuộc sống.

5 THÀNH TỰU NỔI BẬT NĂM 2022

1) Tiếp tục duy trì công bố khoa học quốc tế trên danh mục ISI/Scopus ở mức cao, thuộc nhóm dẫn đầu của ĐHQGHN.

Năm 2022, các nhà khoa học của Viện Công nghệ Thông tin đã công bố hơn 60 công trình khoa học. Trong đó, có 44 công trình khoa học được đăng tải trên cơ sở dữ liệu ISI/Scopus. Tỷ lệ công bố khoa học trên danh mục ISI/Scopus của cán bộ khoa học Viện Công nghệ Thông tin đạt mức 2,9 bài/cán bộ khoa học, dẫn đầu ở Đại học Quốc gia Hà Nội.

2) Hoàn thiện nhiều sản phẩm KHCN sẵn sàng chuyển giao

Với định hướng tập trung phát triển các sản phẩm công nghệ và tăng cường hoạt động sở hữu trí tuệ, năm 2022 Viện Công nghệ Thông tin đã phát triển nhiều sản phẩm, giải pháp khoa học công nghệ. Trong số đó, có 3 sản phẩm công nghệ đã được thử nghiệm và sẵn sàng chuyển giao cho các đối tác: (1) Sản phẩm Y tế thông minh (VNU Diagnostics); (2)  Sản phẩm nền tảng IoT an toàn (VNU Secu-IoT); (3) nền tảng giáo dục thông minh EduNet.

 

3) Năm thứ 4 liên tiếp có nhà khoa học lọt TOP 10.000 nhà khoa học có chỉ số ảnh hưởng trên thế giới (theo PLOS)

PGS. TS. Lê Hoàng Sơn, Trưởng phòng Công nghệ Đa phương tiên và Thực tại ảo tiếp tục nằm trong TOP 10.000 nhà khoa học có chỉ số ảnh hưởng trên thế giới (theo PLOS). Theo danh sách 100.000 nhà khoa học có bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất trong giai đoạn từ năm 1960 đến tháng 9/2022 do Nhà xuất bản Elsevier công bố, Việt Nam có 37 nhà khoa học lọt vào danh sách. Trong top 10.000, Việt Nam có 2 đại diện đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội là PGS.TS Lê Hoàng Sơn và GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức.Theo thứ tự trong bảng xếp hạng này, PGS.TS Lê Hoàng Sơn – Viện Công nghệ Thông tin xếp hạng 5.817 và vị trí 222 trong lĩnh vực CNTT và Truyền thông, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội xếp hạng 7.455 và vị trí 94 thế giới trong lĩnh vực Engineering. Đây là năm thứ 4 liên tiếp 2 nhà khoa học này xếp hạng cao trong danh sách, tính từ năm 2019 đến nay.

4) Đẩy mạnh hoạt động hợp tác phát triển nhằm gia tăng tiềm lực hoạt động khoa học công nghệ

Viện CNTT tham gia triển lãm các sản phẩm khoa học tiêu biểu và chủ trì tổ chức thành công nghị chuyên đề về “Chuyển đổi số và Trí tuệ nhân tạo” trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 của Đại học Quốc gia Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức tại Hòa Lạc. Trong phần Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa ĐHQGHN với các đối tác doanh nghiệp, Viện Công nghệ Thông tin đã thực hiện ký kết hợp tác với các đơn vị: (1) Công ty FPT Smart Cloud (FCI); (2) Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Phát triển Công nghệ FSI;  (3) Công ty cổ phần HTC Viễn thông Quốc tế (HTC-ITC). Bên cạnh đó, Viện Công nghệ Thông tin cũng ký kết, triển khai hợp tác với nhiều tổ chức và doanh nghiệp khoa học công nghệ trong và ngoài nước như Tập đoàn Toshiba (Nhật Bản), Công ty Công nghệ Edison (Việt Nam), Công ty I&IT (Hàn Quốc); Đại học UEC (Nhật Bản); Đại học Grenoble Alpes (Pháp); Đại học Genova (Ý); Đại học Granada (Tây Ban Nha); Đại học Kyonggi (Hàn Quốc), Trường Quốc tế, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN)… Đặc biệt, Viện Công nghệ Thông tin là thành viên chính tham gia đề tài UBIGIoT thuộc Chương trình Châu Âu Horizon.

5) Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của cán bộ Viện Công nghệ Thông tin tiếp tục được quan tâm, cải thiện; hệ thống mạng Internet được cải tạo mới

Môi trường làm việc là yếu tố được Viện Công nghệ Thông tin quan tâm nhằm đảm bảo điều kiện làm việc và chất lượng hoạt động của tập thể cán bộ, học viên và nhân viên. Năm 2022, Viện Công nghệ Thông tin đã thực hiện cải tạo cơ sở vật chất, trang bị lại hệ thống mạng Internet…