Ngày 14/12/2024, Viện Công nghệ Thông tin (CNTT), ĐHQGHN cùng với trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICTU), Đại học Thái Nguyên chính thức khánh thành phòng thí nghiệm phối thuộc về Công nghệ Trí tuệ Nhân tạo và Ứng dụng (AITA Lab). Đây là cột mốc quan trọng cụ thể hóa biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Viện CNTT và ICTU. Tham dự sự kiện có PGS.TS. Lê Hoàng Sơn – Phó Viện trưởng Viện CNTT cùng tập thể các cán bộ và nghiên cứu sinh của Viện CNTT. Về phía ICTU có PGS.TS. Phùng Trung Nghĩa – Hiệu trưởng nhà trường cùng tập thể cán bộ, giảng viên. Chứng kiến buổi lễ có sự tham gia của TS. Mai Anh Khoa – Trưởng Ban Khoa học Công nghệ và Đối ngoại, ĐH Thái Nguyên và ông Hoàng Đức Vỹ- Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Thái Nguyên cùng các vị khách quý từ UBND Tỉnh Thái Nguyên.
AITA Lab là thành quả của quá trình hợp tác chặt chẽ giữa Viện CNTT và ICTU, bắt đầu từ việc ký kết biên bản hợp tác ngày 12 tháng 6 năm 2024. Phòng thí nghiệm không chỉ thể hiện sự quyết tâm của cả hai bên trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo, mà còn là bước khởi đầu cho những dự án nghiên cứu mang tính đột phá, ứng dụng AI vào thực tiễn.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Phùng Trung Nghĩa nhấn mạnh rằng phòng thí nghiệm được xây dựng nhằm thúc đẩy quá trình nghiên cứu liên ngành, tạo ra những sản phẩm trí tuệ nhân tạo có khả năng ứng dụng rộng rãi. AITA Lab sẽ đóng vai trò nền tảng trong việc phát triển nhân lực AI chất lượng cao, từ đó không chỉ góp phần vào quá trình chuyển đổi số của khu vực mà còn thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế – xã hội ở vùng trung du và miền núi phía Bắc.
PGS.TS Lê Hoàng Sơn cũng chia sẻ tầm nhìn về sự hợp tác lâu dài giữa hai đơn vị. Theo đó, Viện CNTT là đơn vị thành viên của ĐHQGHN có sứ mệnh tiên phong dẫn dắt các nghiên cứu đỉnh cao về trí tuệ nhân tạo (AI) ứng dụng, thiết kế vi mạch và ứng dụng, an toàn thông tin trong thời kỳ chuyển đổi số. Tham gia hợp tác cùng các trường đại học và doanh nghiệp nhằm tăng cường thúc đẩy nghiên cứu công nghệ và đổi mới sáng tạo là trách nhiệm và cơ hội của Viện CNTT. Ông khẳng định rằng AITA Lab sẽ là một sân chơi công nghệ sáng tạo, nơi hội tụ những trí tuệ hàng đầu để phát triển các sản phẩm công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và thách thức mới của xã hội.
Bên cạnh đó, nghiên cứu sinh và thực tập sinh sau tiến sĩ tham gia AITA Lab cũng sẽ có cơ hội tham gia nghiên cứu các công nghệ mới như AI tạo sinh, robotics, công nghệ bản sao số,.. qua các chương trình học bổng chung tạo nên giá trị lớn. Để thực hiện vận hành hiệu quả AITA Lab, nhất thiết phải có sự tham gia của các chuyên gia từ Viện CNTT cũng như các nhóm nghiên cứu tại ICTU cùng với sự hỗ trợ từ UBND tỉnh Thái Nguyên và ĐH Thái Nguyên thông qua các chương trình nghiên cứu lớn, đi thẳng vào ứng dụng cuối cho người dân như đề án “Bình dân học vụ AI” đang triển khai tại tỉnh.
Sau buổi lễ, AITA Lab khởi động bằng 02 bài trình bày của các thành viên từ Viện CNTT. Nghiên cứu sinh (NCS) Michael Omar trình bày tổng quan về sự phát triển của AI tạo sinh (Generative AI), đặc biệt là những thành tựu mà Trung tâm Nghiên cứu Tiên tiến Quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo Ứng dụng (AIRC) của Viện CNTT đã đạt được trong thời gian qua.
Michael Omar nhấn mạnh rằng, trong những năm qua, các nghiên cứu của AIRC không chỉ tập trung vào việc phát triển công nghệ mà còn hướng đến mục tiêu cụ thể, tạo ra những sản phẩm công nghệ đột phá, phục vụ đời sống và các ngành công nghiệp. Các giai đoạn phát triển của Generative AI, từ việc ứng dụng các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) như GPT, Stable Diffusion, đến các thuật toán sáng tạo tiên tiến hơn qua những ví dụ thực tế như việc sử dụng AI để tạo nội dung văn bản, hình ảnh, âm nhạc, thậm chí là video một cách tự động và nhanh chóng.
Những công nghệ này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn mở ra cơ hội sáng tạo không giới hạn cho các ngành nghệ thuật, giải trí, và truyền thông. Không chỉ dừng lại ở các thành tựu hiện tại, Michael Omar cũng chia sẻ tầm nhìn chiến lược cho tương lai. Anh nhấn mạnh sự cần thiết của việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Việt Nam, cũng như xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nơi các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và chính phủ cùng hợp tác để thúc đẩy sự phát triển của trí tuệ nhân tạo sáng tạo.
Tiếp theo, NCS Nguyễn Vạn Nhã trình bày về “AIRC-Vision-1B: Mô hình Ngôn ngữ lớn Đa phương thức cho Việt Nam,” giới thiệu kiến trúc mô hình và các ứng dụng tiềm năng, đồng thời chỉ ra thách thức trong việc phát triển công nghệ này trong điều kiện hạn chế phần cứng. Anh đã trình bày chi tiết về kiến trúc của mô hình, nhấn mạnh cách AIRC-Vision-1B được tối ưu hóa để hoạt động hiệu quả trên nền tảng phần cứng giới hạn. Thông qua việc sử dụng các thuật toán nén dữ liệu tiên tiến và tối ưu hóa tham số, AIRC đã phát triển một mô hình không chỉ mạnh mẽ mà còn tiết kiệm chi phí, phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Ngoài việc giới thiệu những thành tựu đã đạt được, NCS Nguyễn Vạn Nhã cũng không ngần ngại đề cập đến những thách thức mà mô hình đang phải đối mặt. Các vấn đề như giới hạn về tài nguyên tính toán, chi phí đào tạo mô hình, và khả năng mở rộng ứng dụng là những bài toán cần được giải quyết trong thời gian tới. Tuy nhiên, anh khẳng định rằng, với sự đồng lòng của đội ngũ nghiên cứu, cùng sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, những khó khăn này sẽ sớm được khắc phục. Phần cuối bài trình bày là những chia sẻ đầy tâm huyết về tầm nhìn cho tương lai của AIRC-Vision-1B. Nguyễn Vạn Nhã bày tỏ mong muốn đưa mô hình này ra khỏi phạm vi nghiên cứu và áp dụng rộng rãi vào thực tế, góp phần nâng cao năng lực AI của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
Kết thúc buổi lễ, các đại biểu và khách mời đã tham gia thảo luận sôi nổi về những tiềm năng và thách thức trong việc triển khai AI vào đời sống thực tế. Sự kiện khánh thành không chỉ mở ra một chương mới cho sự hợp tác giữa Viện CNTT và ICTU mà còn đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng một hệ sinh thái công nghệ AI sáng tạo, hướng đến phục vụ cộng đồng và đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.