Ngày 18/10/2024, PGS.TS. Lê Hoàng Sơn – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin (CNTT) đã có bài phát biểu khách mời và tham gia phiên tọa đàm cấp cao tại Diễn Đàn Đa phương (MSF 2024). Đây là sự kiện do Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) cùng Samsung Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng khởi xướng với thông điệp về Sáng kiến công nghệ bao trùm (InclusiveTech Initiative).

Việt Nam đang hướng đến một xã hội bao trùm số trên nhiều lĩnh vực như: Chính phủ điện tử, y tế số, giáo dục số, tài chính số… Do đó, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến phát triển số, thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp. Cơ quan điều hành cũng tạo ra môi trường pháp lý và thúc đẩy các chính sách về chuyển đổi số. Công nghệ số bao trùm, đặc biệt là AI tạo sinh đang trở thành động lực để phát triển tạo nên xã hội bao trùm số. Trong xã hội bao trùm, các vấn đề bất bình đẳng và cơ hội nghề nghiệp bị ảnh hưởng đặc biệt đối với nhóm người yếu thế. Tuy nhiên, những người yếu thế vẫn có cơ hội phát triển nếu biết cách thích nghi và học tập suốt đời thông qua đào tạo kỹ năng nghề chất lượng cao như AI ứng dụng và công nghệ dữ liệu để thích ứng với yêu cầu mới.

Tại Viện CNTT, ĐHQGHN cũng đã triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn chuyên sâu về AI ứng dụng, thiết kế vi mạch, an toàn thông tin,.. cho các cơ quan chính phủ, Bộ Ban Ngành cũng như các chương trình đặc biệt cho các đối tượng yếu thế, những người không có cơ hội tiếp cận công nghệ cao để thúc đẩy nhận thức và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

Tại phiên tọa đàm cấp cao tại Diễn Đàn Đa phương (MSF 2024), PGS.TS. Lê Hoàng Sơn bày tỏ quan điểm: “AI, khoa học dữ liệu không phải là công nghệ xa vời chỉ dành cho chuyên gia mà dành cho tất cả mọi người. Do đó, việc đào tạo kỹ năng số cần được mở rộng, đa dạng, không chỉ gói gọn ở các chương trình chính quy mà cần đào tạo theo nhu cầu, nhóm đối tượng.”.

Như vậy, cần tăng cường các đặt hàng từ chính phủ và doanh nghiệp đối với Viện / trường trong thúc đẩy sáng tạo công nghệ số bao trùm, đặc biệt dành cho nhóm yếu thế. Công nghệ chỉ để hỗ trợ con người, sử dụng công nghệ để phát triển xã hội là trách nhiệm và sứ mệnh của cộng đồng, để không bỏ ai ở lại phía sau.

“Chỉ cần nâng cao kỹ năng về công nghệ, chuyển đổi số, năng lực thích nghi về công nghệ mới, chúng ta sẽ có công nghệ về xã hội bao trùm. Đây là vận hội, thời cơ chúng ta có thể phát triển”.. — PGS.TS. Lê Hoàng Sơn nhấn mạnh.