Đó là khẳng định của Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn chia sẻ tại tọa đàm “Chuẩn bị nguồn nhân lực để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam” trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Hội nghị được tổ chức chiều 29/10 tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cơ sở Hòa Lạc (NIC cơ sở Hòa Lạc), nằm trong chuỗi sự kiện Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) và Khánh thành NIC cơ sở Hòa Lạc.

Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm thảo luận về thực trạng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Đây là cơ hội hiếm có để chúng ta cùng cụ thể hoá hợp tác đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao này tại Việt Nam”.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cho biết, là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu, ĐHQGHN đã chủ động xây dựng và triển khai Chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN giai đoạn 2021-2030 nhằm định hướng phát triển khoa học và công nghệ trong thời gian tới lên một tầm cao mới, đồng thời là đột phá để phát triển ĐHQGHN trở thành đại học thông minh, đổi mới sáng tạo.

ĐHQGHN đã đẩy mạnh triển khai các hướng nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công nghệ ưu tiên phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời, tập trung nguồn lực triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về năng lượng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử y sinh…

Cùng với ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh, ĐHQGHN đã triển khai đào tạo và nghiên cứu về lĩnh vực chip bán dẫn khoảng hơn 20 năm nay. Đặc biệt, ĐHQGHN triển khai chương trình đào tạo và nghiên cứu về thiết kế chip từ năm 2009 và đầu tư nhiều trang thiết bị cũng như phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu về lĩnh vực này.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn (phải) chia sẻ về chiến lược của ĐHQGHN để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn

Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn cho biết thêm, ĐHQGHN đang cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với ĐHQGHN ngày 14/4/2023 về đào tạo nguồn nhân lực chip bán dẫn. ĐHQGHN đang xây dựng đề án đầu tư trang thiết bị, phòng thí nghiệm hỗ trợ việc thiết kế, đóng gói, kiểm thử cũng như chế tạo sản xuất thử nghiệm.

Hiện nay, ĐHQGHN đang triển khai một số định hướng để đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực chip bán dẫn. Theo đó, ĐHQGHN đã ban hành các chính sách đầu tư, thúc đẩy phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh; đồng thời thu hút các nhà khoa học nước ngoài, nhà khoa học Việt Nam đang sinh sống và học tập ở nước ngoài thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, đặc biệt ưu tiên cho lĩnh vực chip bán dẫn. Bên cạnh đó, ĐHQGHN cũng tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu đặt hàng và thực hành thực tập cho sinh viên.

“Trên tinh thần đầu tư đồng bộ nhưng có chia sẻ thì phòng thí nghiệm này sẽ đặt tại Hòa Lạc, trước mắt, đây sẽ là cơ sở vật chất dùng chung cho các đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQGHN và chúng tôi cũng xây dựng cơ chế chia sẻ với các trường đại học khác, đặc biệt là các doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn là một phần quan trọng của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia” – Phó Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh.

Sinh viên ĐHQGHN thăm quan các gian hàng tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIIE 2023)

Hội nghị được chia ra làm hai phiên: Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu và cơ hội cho Việt Nam; Chuẩn bị nguồn nhân lực để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Trong phiên thứ nhất, những chủ đề “Tổng quan ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu và một số cơ hội cho Việt Nam”, “Xu hướng chuyển dịch bán dẫn thế giới và cơ hội cho Việt Nam”, “Lộ trình tăng trưởng cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam” và “Sự phức tạp trong thiết kế vi mạch sau kỷ nguyên Moore: Cơ hội cho Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu” đã lần lượt được các chuyên gia đầu ngành tới từ Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), BCG Hàn Quốc, Qualcomm, Cadence, Amkor chia sẻ. Trong phiên thứ 1 còn diễn ra tọa đàm “Cơ hội và thách thức để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam”. Đại diện của NIC và một số chuyên gia các đơn vị trong ngành đã đưa ra nhiều ý kiến thú vị và có giá trị.

Nhiều công nghệ về trí tuệ nhân tạo, linh kiện bán dẫn được trình diễn tại VIIE 2023

Tại phiên thứ hai, bà Linda Tan từ Hiệp hội Công nghệ Bán dẫn Đông Nam Á (Semi SEA) chia sẻ về nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp chiến lược này. “Mô hình trung tâm đào tạo và ươm tạo về thiết kế vi mạch bán dẫn tại Việt Nam” và “Hình thành các chương trình đào tạo và nghiên cứu ngành công nghiệp bán dẫn tại các trường đại học Việt Nam” cũng là những nội dung đáng chú ý, thu hút sự quan tâm của khách mời.

Các chuyên gia đầu ngành tới từ các tập đoàn, trường đại học đào tạo công nghệ cũng thảo luận sâu về “Cơn khát nhân lực chất lượng cao” và đưa ra những ý kiến, góc nhìn về “chiến lược phát triển nguồn nhân lực” cho ngành này trong tọa đàm thứ hai.

Ra mắt Mạng lưới Bán dẫn Việt Nam được xem như bước tiến mới cho sự phát triển của lĩnh vực này tại Việt Nam

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ ra mắt Mạng lưới Bán dẫn Việt Nam. Đây được xem như một bước tiến mới cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Mạng lưới Bán dẫn Việt Nam đi vào hoạt động sẽ từng bước hiện thực hóa định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một đối tác tin cậy trong hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và hiện đại hóa nền kinh tế.

Theo VNU media.