Việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đang thực sự là một cuộc cách mạng để thúc đẩy sự phát triển, nâng cao vị thế đất nước. Việt Nam đang có cơ hội vàng để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu nếu có kế hoạch chiến lược dài hạn, phù hợp.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Ngành công nghiệp bán dẫn (hay còn gọi là vi mạch) hiểu đơn giản là tập hợp các thành phần tham gia vào lĩnh vực thiết kế cũng như chế tạo nên toàn bộ các linh kiện, thiết bị điện tử. Mà linh kiện, thiết bị điện tử là thứ không thể thiếu, đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên công nghệ.
Với vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng, những năm gần đây, Việt Nam dần trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư lớn. Nước ta nằm trên một trong những tuyến giao thông hàng hải quan trọng, nhộn nhịp nhất thế giới; là vùng đất giàu tiềm năng và cũng là một trong những khu vực phát triển năng động nhất trên toàn cầu hiện nay.
Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều dấu mốc, thành tựu quan trọng. Trong ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đã có nhiều thỏa thuận hợp tác, cũng như các dự án đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, như: Tập đoàn Intel mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD; Công ty bán dẫn Amkor dự kiến sẽ khánh thành nhà máy tại Bắc Ninh trong tháng 10-2023 với tổng mức đầu tư khoảng 1,6 tỷ USD… Gần đây nhất, ngày 16-9-2023, Công ty bán dẫn Hana Micron (Hàn Quốc) đã khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang). Đây là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc nước ta. Dự kiến trong năm nay, doanh thu của công ty đạt 300 triệu USD. Đến năm 2025, công ty có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên hơn 1 tỷ USD, doanh thu dự kiến đạt 800 triệu USD và tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động.
Cùng với xu thế phát triển trên thế giới, theo đánh giá của Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (CNTT), Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam đang có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có nền tảng tư duy toán tốt, nhân lực có trình độ cao không ngừng tăng. Lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, đặc biệt lĩnh vực CNTT, tự động hóa, điện tử, kỹ thuật máy tính đang dành được nhiều sự quan tâm của thế hệ trẻ. Đây là các lĩnh vực có liên quan đến các công đoạn khác nhau trong ngành công nghiệp bán dẫn. Bởi thế, các cơ sở đào tạo trong nước cần có kế hoạch đào tạo, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực để tận dụng lợi thế này.
Ngoài ra, tình hình nguồn nhân lực ngoài nước cũng đang có những tín hiệu khả quan khi mà khá nhiều tập đoàn, công ty lớn trong ngành bán dẫn đang có xu hướng chuyển dịch công nghệ đến những thị trường mới giàu tiềm năng. Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tích hợp thông minh, có một cơ hội mà chúng ta không nên bỏ lỡ, đó là thế giới đang trong thời kỳ nhiều nhà khoa học có sự trải nghiệm, am hiểu tường tận về ngành bán dẫn đến tuổi nghỉ hưu. Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo cách làm của Hàn Quốc, khi mà những chuyên gia của các công ty bán dẫn Hàn Quốc trong giai đoạn trước đây vốn là các chuyên gia của Nhật Bản về hưu. Chính phủ, các cấp, ngành, các trường nên chăng có cơ chế để quy tụ những người này, đặc biệt là những nhà khoa học gốc Việt. “Có thêm lợi thế là các nhà khoa học này đi đến đâu, những công ty trước kia họ công tác thường sẽ đi theo đến đó”, Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường phân tích thêm.
Sự phân bố đất hiếm theo quốc gia (đơn vị tính: triệu tấn). Đồ họa: LIÊN HOÀNG.
Nguồn: Cục Khảo sát địa chất Hoa Kỳ |
Ngoài ra, Việt Nam đang có một lợi thế vô cùng lớn, đó là về nguồn nguyên vật liệu. Chúng ta hiện có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Đất hiếm là vật liệu không thể thiếu của ngành công nghiệp bán dẫn, phục vụ rất nhiều công đoạn trong chế tạo, sản xuất.
Con đường tiếp cận của Việt Nam
Giới chuyên gia, nhà khoa học đánh giá, dù ngành công nghiệp bán dẫn đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu nhưng chúng ta chưa có chiến lược phát triển mang tầm quốc gia. Vì vậy, lĩnh vực này ở nước ta vẫn còn khá sơ khai, mạnh ai nấy làm, có lúc làm theo phong trào. Để ngành công nghiệp bán dẫn ở nước ta phát triển xứng tầm với các lợi thế sẵn có, theo các chuyên gia cần tập trung vào 3 nội dung chính: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng cơ chế thu hút, tận dụng sự đầu tư từ nước ngoài; sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý.
Trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Tú, cùng với những thuận lợi, chúng ta vẫn đang gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề thực hành. Cơ hội tiếp cận các công cụ thiết kế vi mạch bán dẫn, trang thiết bị đo kiểm, đóng gói vi mạch còn khá hạn chế, chưa nói đến các phòng thí nghiệm chế tạo bán dẫn hiện đại.
Quang cảnh làm việc trong Nhà máy Intel Products Việt Nam. Ảnh: IPV |
Với đặc thù luôn chứa đựng sự rủi ro nhất định nên lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam gần như chưa có sự đầu tư mạnh mẽ, bài bản để giúp các nhóm nghiên cứu, nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu hoạt động hiệu quả. Hiện các nhà khoa học của chúng ta phải làm quá nhiều công việc để duy trì hoạt động. Vì không đủ kinh phí nghiên cứu nên nhiều dự án, hay ý tưởng phải dừng giữa chừng. Cán bộ nghiên cứu phải làm thêm các dịch vụ tư vấn, hoặc làm những đề tài ít liên quan đến vấn đề mình đang theo đuổi, hoặc phải đi dạy quá nhiều để tăng thêm thu nhập. Nguồn lực vì thế mà bị phân tán.
Các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh việc tận dụng đầu tư nước ngoài trong ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện phần lớn nguồn nhân lực Việt Nam vẫn đang tập trung ở công đoạn thiết kế đơn giản. Bài toán đặt ra là làm sao gia tăng được số công đoạn Việt Nam có thể làm chủ trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành này, từ đó tăng tính độc lập, tự chủ. Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường lấy ví dụ, công ty anh làm trong lĩnh vực siêu máy tính, ngoài các phần liên quan đến tích hợp và phần mềm ở lớp trên (liên quan đến con người) thì ở phần cứng, có hai thứ cần thiết: Máy tính tính toán và hệ thống kết nối chúng với nhau. Máy tính thì có, mua được ngay, nhưng thiết bị chuyên dụng để kết nối chúng với nhau thì không, để có được thiết bị này phải mua từ số ít nhà cung cấp nước ngoài với thời gian chờ đợi khoảng 1 năm.
Thực tế, chi phí để xây dựng một nhà máy sản xuất chip quá tốn kém, với hàm lượng công nghệ, tri thức cực kỳ cao, trị giá lên tới hàng chục tỷ USD, cùng rất nhiều điều khoản công nghệ đi kèm. Bởi thế, việc Việt Nam tự xây dựng nhà máy sản xuất chip (chưa tính đến khâu đầu ra cho sản phẩm) là lựa chọn chưa thật sự khả thi. Vậy đâu là cách tiếp cận tối ưu nhất của chúng ta về ngành bán dẫn? Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, Việt Nam nên tận dụng lợi thế có nguồn đất hiếm đứng thứ hai thế giới. Chúng ta có thể đàm phán, thỏa thuận với các đối tác có nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu này với điều khoản như phải đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Đây là cơ hội để chúng ta đào tạo và tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Khi đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam, trong điều kiện cấp bách chúng ta vẫn có thể yêu cầu nhà sản xuất ưu tiên, tạo điều kiện nhập khẩu cho các doanh nghiệp trong nước.
Một trong nhiều minh chứng rõ ràng về kết quả của cách làm trên là, sau rất nhiều năm không chủ động được về thiết bị kết nối, Trung Quốc đã ra quy định về việc các nhà cung cấp thiết bị vào thị trường nước này phải cung cấp mã nguồn phục vụ mục đích an ninh. Nhờ thế mà sau đó Trung Quốc đã có Công ty Ruijie Networks, rồi trở thành một trong 4 nhà sản xuất thiết bị mạng lớn nhất thế giới. Họ chủ động hoàn toàn công nghệ, làm ra được tất cả sản phẩm có chức năng tương tự.
Cuối cùng, Chính phủ cần có chính sách, lộ trình sử dụng nguồn tài nguyên đất hiếm một cách hợp lý; đồng thời ngăn chặn tình trạng khai thác, buôn bán trái phép gây “chảy máu” nguồn tài nguyên này. Ngành công nghiệp bán dẫn đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế nhưng là lĩnh vực khó, đầu tư tốn kém, thời gian hoàn vốn dài… Vì vậy, chúng ta phải có chiến lược, chính sách rõ ràng, ưu đãi tốt để thu hút sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện nay, đang là thời điểm thuận lợi, cơ hội vàng để Việt Nam phát triển và khẳng định vị thế của mình trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, qua đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển trong “cuộc chơi” khốc liệt và đầy biến động.
Không thể chậm chân
Nhận thấy tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn trong kỷ nguyên công nghệ, cuộc đua sản xuất chất bán dẫn và chip đang ngày càng nóng trên toàn cầu. Các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đều không thể “chậm chân” trong lĩnh vực này.
Cuộc đua khốc liệt
Nhắc đến ngành công nghiệp bán dẫn phải nói đến chip bán dẫn, một loại vi mạch điện tử phức tạp. Chip bán dẫn được tạo thành bằng cách tích hợp hàng trăm hoặc thậm chí hàng tỷ thành phần điện tử nhỏ trên một mảnh bán dẫn. Từ đó tạo ra nhiều loại linh kiện điện tử khác nhau. Ví những con chip bán dẫn nói riêng, ngành bán dẫn nói chung như những “hạt gạo” bởi nó nuôi sống toàn bộ các lĩnh vực khác nhau trong kỷ nguyên công nghệ. Từ việc có chip bán dẫn, các kỹ sư sẽ xây dựng được những thiết bị điện tử, hệ thống điện tử ứng dụng vào mọi lĩnh vực của đời sống. Doanh thu chip bán dẫn toàn cầu năm 2022 khoảng 600 tỷ USD. Dự báo, thị trường bán dẫn toàn cầu có quy mô khoảng 1.400 tỷ USD vào năm 2029. Đây quả thực là một ngành công nghiệp hấp dẫn có giá trị hàng nghìn tỷ USD.
Gia tăng các khâu có thể tự chủ trong sản xuất chip bán dẫn trở thành vấn đề sống còn với hầu hết các nền kinh tế. Năm ngoái, EU đã đưa ra một kế hoạch trị giá 43 tỷ Euro được gọi là Đạo luật chip, nhằm tăng gấp đôi thị phần của châu Âu về chất bán dẫn vào năm 2030, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ châu Á.
10 nhà cung cấp bán dẫn có doanh thu lớn nhất thế giới năm 2022. Nguồn: Gartner |
Phía bên kia bán cầu, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đầu tư lớn nhằm duy trì vị trí dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Mới đây, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp về việc thực hiện đạo luật nghiên cứu và trợ cấp sản xuất chip bán dẫn trị giá gần 53 tỷ USD.
Tại châu Á, các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đẩy mạnh đầu tư và hợp tác quốc tế để duy trì vị thế là những nhà sản xuất chip hàng đầu của châu lục và thế giới. Các cường quốc như Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang tăng tốc và tích cực tham gia lĩnh vực bán dẫn… Cuộc đua bán dẫn giữa các nền kinh tế lớn đang tạo động lực giúp ngành bán dẫn toàn cầu phát triển mạnh mẽ.
Thức dậy sau giấc ngủ dài
Thực ra, ngành công nghiệp bán dẫn không mới ở Việt Nam, thậm chí đã được Nhà nước quan tâm từ rất sớm. Chỉ 4 năm sau ngày đất nước thống nhất, năm 1979, Nhà máy bán dẫn Z181 được thành lập, bắt đầu thực hiện các hợp đồng sản xuất, xuất khẩu thiết bị bán dẫn cho thị trường nước ngoài.
Cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động, Nhà máy Z181 không còn những đơn hàng sản xuất linh kiện bán dẫn. Việc sản xuất, đóng gói linh kiện bán dẫn của nhà máy phải dừng lại từ đây. Ngành bán dẫn ở nước ta trải qua thời gian dài rơi vào tình trạng ảm đạm.
Đến khoảng năm 2005-2006, với sự xuất hiện của một số công ty nước ngoài mở văn phòng thiết kế tại Việt Nam như Renesas, Active Semi, cùng sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Phòng thí nghiệm Hệ thống tích hợp thông minh (SISLAB) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã đánh dấu sự tham gia sâu hơn của nước ta vào mảng thiết kế chip. Một năm sau, Tập đoàn Intel đầu tư vào Việt Nam, xây nhà máy tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, nước ta bắt đầu bước chân vào mảng đóng gói. 10 năm trở lại đây, ngành bán dẫn ở nước ta có nhiều tín hiệu chuyển mình rõ rệt. Nhiều công ty bán dẫn và điện tử hàng đầu thế giới đã có trụ sở tại Việt Nam như Intel, Samsung, Microsoft, LG…
Mới dừng lại ở khâu đóng gói
Để cho ra con chip hoàn thiện, ước tính phải trải qua khoảng 600 bước, liên quan đến nhiều công nghệ và sản xuất ở nhiều nước. 600 bước này tựu chung có thể quy về thành 3 công đoạn chính: Thiết kế (tốn khoảng 5-10 triệu USD đầu tư); chế tạo (tốn khoảng 500 triệu đến 1 tỷ USD cho đầu tư một nhà máy chế tạo chip bán dẫn với quy mô công nghệ vừa phải. Ở những dây chuyền công nghệ mới, con số này phải 5-15 tỷ USD); kiểm tra, đóng gói (số vốn đầu tư ban đầu vào khoảng 20-30 triệu USD, tùy thuộc yêu cầu công nghệ và năng suất). Vì sự phức tạp trong chế tạo, phải qua nhiều bước nên không quốc gia nào có thể sở hữu toàn bộ chuỗi cung ứng.
Trong 3 công đoạn trên, công đoạn thiết kế chiếm khoảng 50-60% giá thành sản phẩm, công đoạn chế tạo chiếm khoảng 25-30%, còn lại là công đoạn kiểm tra, đóng gói chiếm khoảng 15-20%.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các bộ, ngành tại Lễ ra mắt Trung tâm Điện tử vi mạch bán dẫn TP Hồ Chí Minh, ngày 6-9-2023. Ảnh: HÀ AN |
Tháng 5-2023, tại buổi họp báo thường kỳ, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Việt Nam đã chiếm hơn 10% số lượng chip nhập khẩu của Mỹ trên toàn thế giới trong 7 tháng liên tiếp. Xét về mặt doanh số, Việt Nam đứng hạng 3 châu Á, sau Đài Loan và Malaysia trong xuất khẩu chip bán dẫn vào Mỹ. Trong tháng 2-2023, Việt Nam đã xuất khẩu chip vào Mỹ đạt doanh số 562,5 triệu USD, tăng so với tháng 2-2022 (đạt 321,7 triệu USD).
Tuy nhiên, những con số trên chỉ là kết quả từ việc chúng ta thu được ở công đoạn 3, đó là kiểm tra, đóng gói thành phẩm. Đây là công đoạn có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi cung ứng (các con chip sẽ được sản xuất từ các nước khác, sau đó đưa về Việt Nam lắp ráp vào các thiết bị, kiểm tra, chạy thử và đóng gói sản phẩm). Hiện có khoảng 40 công ty nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ đã đầu tư tại Việt Nam, hoạt động chủ yếu trong khâu thiết kế và đóng gói. Có một số rất ít công ty (Viettel, FPT) trong nước tham gia ở công đoạn thiết kế chip.
Rõ ràng, trong ngành công nghiệp bán dẫn, nếu Việt Nam chỉ mới tham gia khâu đóng gói, triển khai dịch vụ thiết kế thuê mà không tích cực tham gia, làm chủ công đoạn thiết kế, chế tạo hay chủ động thêm được gì về công nghệ thì nguồn thu sẽ rất hạn chế. Trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta đang hướng đến xây dựng chính phủ số, thành phố thông minh, nhà máy thông minh, nền nông nghiệp thông minh… tất cả những thứ đó sẽ gặp phải nhiều khó khăn nếu ngành bán dẫn của chúng ta phụ thuộc hoàn toàn từ nước ngoài. Điều này lại càng quan trọng hơn trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Theo thống kê của Cộng đồng Vi mạch Việt Nam, nước ta hiện có khoảng 5.500 kỹ sư thiết kế chip; phân bố không đồng đều, tập trung nhiều nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh (85%), Hà Nội (8%), Đà Nẵng (7%). |
Ước mơ chip “made in Việt Nam”
Dù còn khó khăn, thiếu thốn về máy móc, trang bị thực hành nhưng các nhà nghiên cứu, sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn say mê tìm tòi, nghiên cứu và gặt hái được những thành công trong thiết kế vi mạch bán dẫn.
20 giờ tối thứ 6, phòng làm việc của nhóm nghiên cứu Hệ thống tích hợp thông minh (SISLAB), Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn sáng đèn. Nghiên cứu sinh Đào Mạnh Hiệp (28 tuổi) cùng các sinh viên Nguyễn Thế Anh (22 tuổi) và Phạm Minh Hải (20 tuổi) đang thảo luận sôi nổi về quy trình thiết kế vi mạch bán dẫn sử dụng công cụ thiết kế mã nguồn mở trong khi chờ đợi chiếc máy tính đã có tuổi đời cả chục năm “khởi động”.
Anh Đào Mạnh Hiệp (đứng) cùng sinh viên Nguyễn Thế Anh (áo xám) và Phạm Minh Hải. |
Từ căn phòng khoảng 40m2 với trang thiết bị hạn chế này, những sinh viên thuộc SISLAB đã gặt hái được nhiều kết quả cao trong các cuộc thi về thiết kế vi mạch quốc tế. Có thể kể đến như cuộc thi LSI design contest, được tổ chức thường niên tại Nhật Bản (đã nhiều lần SISLAB đoạt giải thưởng, trong đó có một lần đoạt giải nhất); Synopsys ARC design contest (tại Đài Loan); SEACAS Hackathon (tổ chức thường niên, luân phiên giữa các nước trong khu vực)…
Cũng từ đây, đội ngũ các nhà khoa học tại SISLAB chủ trì triển khai nhiều hợp đồng nghiên cứu, đề tài quốc gia và quốc tế về thiết kế vi mạch. Thành quả mới nhất là sản phẩm ADEN4IoT, được nhóm nghiên cứu và phát triển cho các ứng dụng Chính phủ điện tử dựa trên hệ thống IoT (Internet vạn vật) nhỏ gọn với công suất thấp, trên công nghệ 65nm của hãng TSMC, Đài Loan. Vi mạch được nghiên cứu, thiết kế, thực thi và thử nghiệm thiết bị thành công tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, hiện đang triển khai tại khuôn viên của trường.
Một số sản phẩm chip bán dẫn do SISLAB nghiên cứu, thiết kế. |
Nhiều sản phẩm nghiên cứu khác của nhóm được đánh giá cao như vi mạch SNACk, với công nghệ chế tạo vi mạch FDSOI 28nm của hãng ST Microelectronics, thông qua hợp tác với các đồng nghiệp ở Viện nghiên cứu CEA-Leti (Cộng hòa Pháp)… Dựa vào năng lực nghiên cứu tích lũy nhiều năm, SISLAB đã có một số hợp đồng nghiên cứu cho các doanh nghiệp thiết kế chip bán dẫn tại Nhật Bản và Hoa Kỳ. Đầu năm nay, họ cùng các đối tác đã được chương trình Horizon Europe tài trợ dự án nghiên cứu chip bán dẫn công suất thấp trị giá trên 1 triệu USD.
Anh Đào Mạnh Hiệp cho biết, tuy trang thiết bị phục vụ nghiên cứu tại Viện vẫn còn khá hạn chế, nhưng vẫn là hiện đại so với mặt bằng chung của các cơ sở đào tạo khác.
Có thể nói, cơ hội để các nhà nghiên cứu tại Việt Nam được tiếp cận các công cụ thiết kế vi mạch bán dẫn, trang thiết bị đo kiểm, đóng gói vi mạch còn khá hạn chế, chưa nói đến các phòng thí nghiệm chế tạo bán dẫn bởi chi phí cho những công cụ này quá đắt đỏ. Đơn cử, bộ công cụ thiết kế vi mạch trong công nghiệp có giá thành tương đối đắt. Có những bộ công cụ mà chi phí bản quyền lên tới 1 triệu USD/năm hay sản xuất thử nghiệm một bản thiết kế cũng có thể tốn kém tới 20-50.000USD (dù chia sẻ chung phiến silicon-MPW). Với trường đại học, nhà cung cấp có những chính sách giảm giá để khuyến khích sử dụng, thậm chí giảm 90% giá bán, nhưng với mặt bằng chung của các trường đại học ở nước ta thì con số này vẫn cao.
Anh Đào Mạnh Hiệp đã làm việc tại đây từ năm 2017, khi là sinh viên năm cuối chương trình kỹ sư. Anh hiện đang học tiến sĩ tại Đại học Bách khoa Grenoble, Cộng hòa Pháp, chuyên ngành NanoElectronics and NanoTechnology (Điện tử Nano và kỹ thuật Nano). Hiện tại SISLAB duy trì khoảng 30 thành viên (5 tiến sĩ, 6 nghiên cứu sinh và gần 20 sinh viên). Sinh viên tham gia nhóm nghiên cứu được lựa chọn thông qua thư bày tỏ nguyện vọng, kết quả và thành tích học tập, đặc biệt là sự say mê khoa học. Tất cả đang miệt mài nghiên cứu để hiện thực hóa ước mơ tự sản xuất được con chip “made in Việt Nam”.
Theo: Quân đội nhân dân cuối tuần