Ngày 15/03/2025, đoàn công tác Viện Công Nghệ Thông tin (CNTT), ĐHQGHN đã có buổi thăm và làm việc với trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICTU), Đại Học Thái Nguyên. Buổi làm việc nhằm thúc đẩy ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) vào giáo dục. Tham dự Chương trình, về phía đoàn công tác Viện CNTT có trưởng đoàn PGS.TS. Lê Hoàng Sơn, Phó Viện trưởng kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiên tiến quốc tế về Trí tuệ nhân tạo ứng dụng (AIRC) cùng tập thể các nghiên cứu sinh và các cán bộ và chuyên gia Viện CNTT. Về phía trường Đại học Công nghệ Thông tin & Truyền thông có sự tham dự của TS. Vũ Đức Thái, Phó Hiệu trưởng nhà trường; TS. Quách Xuân Trưởng, Trưởng khoa CNTT; TS. Vũ Xuân Nam, Trưởng khoa Hệ thống thông tin Kinh tế; TS. Nguyễn Văn Núi, Trưởng phòng KHCN; cùng tập thể các giảng viên, nhà khoa học, nghiên cứu sinh, học viên cao học.

PGS.TS. Lê Hoàng Sơn – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN phát biểu khai mạc.

Mở đầu Chương trình làm việc, PGS.TS. Lê Hoàng Sơn đã giới thiệu về Viện Công nghệ Thông tin và các hướng nghiên cứu chính tại Viện hiện nay, tập trung vào 03 trụ cột: (i) Trí tuệ nhân tạo ứng dụng; (ii) Thiết kế vi mạch và bán dẫn; (iii) An toàn thông tin trong thời kỳ chuyển đổi số, trong đó khẳng định các hướng nghiên cứu trọng tâm tại Viện hiện nay tập trung triển khai cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị theo thế mạnh và xu hướng phát triển công nghệ. Việc hợp tác giữa Viện CNTT và ICTU đã được thiết lập và cụ thể hóa qua các hoạt động nghiên cứu chung. Ngày 15/12/2024, phòng thí nghiệm chung giữa hai đơn vị về Công nghệ Trí tuệ nhân tạo và ứng dụng (AITA LAB) đã được thành lập quy tụ các nhà khoa học của hai đơn vị nhằm xây dựng các nghiên cứu chung và các dự án, đề tài hướng tới đổi mới sáng tạo và tăng cường đột phá phát triển khoa học và công nghệ. Chuỗi seminar theo các quý là hoạt động cụ thể hóa hợp tác và là bước đột phá trong hợp tác liên Đại học về hướng nghiên cứu đang rất được quan tâm hiện nay về Trí tuệ nhân tạo.

Các đại biểu dự hội thảo tại AITA LAB

Chương trình Tập huấn và Seminar AITA Joint Lab Quý 1/2025 được tổ chức với mục tiêu tạo ra một diễn đàn trao đổi chuyên sâu, gắn kết học thuật và thực tiễn. Chương trình bao gồm các buổi tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, kết hợp với các seminar chuyên đề để thảo luận về những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Đây cũng là cơ hội để các cá nhân và tổ chức kết nối, mở rộng hợp tác và cùng nhau phát triển những dự án tiềm năng trong tương lai. Trong khuôn khổ hội thảo, Trung tâm nghiên cứu Quốc tế về Trí tuệ nhân tạo (AIRC), Viện CNTT đã trình bày 03 tham luận vể các hướng nghiên cứu quan trọng hiện nay như: (1) Ứng dụng AI trong các doanh nghiệp; (2) Triển vọng ứng dụng AI Blockchain tại khu vực công; (3) Kiến trúc AIRC DataOps. Đây là những nghiên cứu mang tính đột phá, góp phần quan trọng vào sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số trong thực tiễn.

Một số bài toán AI tại doanh nghiệp hiện nay

Với sự phát triển nhanh chóng của AI, các doanh nghiệp không ngừng tìm kiếm cách ứng dụng công nghệ này để nâng cao hiệu suất và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Việc khai thác AI một cách hiệu quả không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình vận hành mà còn cải thiện đáng kể trải nghiệm khách hàng, mang đến cái nhìn toàn diện về cách doanh nghiệp tận dụng AI để đổi mới và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, trong thời đại số hóa, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý và cung cấp dịch vụ công đang trở thành xu hướng tất yếu. Đặc biệt, sự kết hợp giữa AI và Blockchain hứa hẹn mang lại nhiều đột phá, giúp nâng cao tính minh bạch, bảo mật và tối ưu hiệu suất vận hành của các tổ chức trong việc cải thiện chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ công.

Triển vọng ứng dụng AI-Blockchain tại khu vực công

Dựa trên nhu cầu thực tiễn, đoàn công tác Viện CNTT đã đề xuất hợp tác ứng dụng AI và công nghệ mạng SDWAN trong nông nghiệp thông minh tại Thái Nguyên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Hợp tác triển khai theo 02 pha. Thứ nhất, ứng dụng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) để xây dựng hệ thống AI tư vấn nông nghiệp, giúp nông dân tra cứu thông tin, dự báo thời tiết, nhận diện sâu bệnh và tối ưu hóa canh tác. Giải pháp này không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn giúp giảm rủi ro và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Thứ hai, triển khai giải pháp SD-WAN để tối ưu kết nối và quản lý chuỗi cung ứng chè. Công nghệ này giúp nâng cao hiệu quả vận hành, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và gia tăng giá trị thương mại cho sản phẩm chè Thái Nguyên. Để đảm bảo hạ tầng dữ liệu mạnh mẽ và tối ưu hóa quy trình triển khai AI, đoàn công tác Viện CNTT cũng đã tổ chức chương trình tập huấn về DataOps với các kỹ thuật cốt lõi, giúp nâng cao năng lực quản lý và xử lý dữ liệu hiệu quả, phục vụ cho các dự án AI trong tương lai.

Tập huấn Kiến trúc AIRC DataOps

Chương trình tập huấn và Seminar AITA Joint Lab Quý 1/2025 đã tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ AI và chuyển đổi số vào thực tiễn. Với sự tham gia tích cực của Viện CNTT và ICTU, chương trình không chỉ mang đến các định hướng nghiên cứu chiến lược mà còn đề xuất những giải pháp thiết thực trong quản lý dữ liệu, ứng dụng AI và Blockchain vào dịch vụ công, cũng như tối ưu hóa hạ tầng số cho doanh nghiệp và địa phương. Với nền tảng hợp tác này, Viện Công nghệ Thông tin và ICTU sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp trí tuệ nhân tạo, góp phần thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá khoa học, công nghệ và chuyển đổi số nhằm tạo ra các giá trị thực tiễn, phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước.

Các báo cáo viên và chủ tọa tại hội thảo