TRÍCH YẾU LUẬN ÁN

Tên tác giả: Nguyễn Anh Chuyên

Tên luận án: Nghiên cứu các cơ chế dự phòng nâng cao độ tin cậy cho hệ thống máy chủ truy cập Internet

Ngành khoa học của luận án: Công nghệ thông tin

Chuyên ngành: Quản lý hệ thống thông tin                 Mã số: 9480205.01QTD

Tên đơn vị đào tạo Sau đại học: Viện Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia Hà Nội

  1. Mục đích và đối tượng nghiên cứu của luận án

    Nội dung nghiên cứu của luận án tập trung vào các chủ điểm sau đây:

    • Mục tiêu thứ nhất: Nghiên cứu, đề xuất cơ chế dự phòng nâng cao độ tin cậy dựa trên mô hình máy chủ ảo hóa với các phần tử song song, trong các trường hợp như:
      • Cấu hình đồng nhất không phục hồi khi gặp sự cố.
      • Cấu hình đồng nhất có khả năng hồi phục khi gặp lỗi.
      • Cấu hình không đồng nhất và phục hồi có độ ưu tiên.
    • Mục tiêu thứ hai: Nghiên cứu, đề xuất cơ chế dự phòng tích cực nâng cao độ tin cậy với mô hình máy chủ ảo hóa.
    • Mục tiêu thứ ba: Đề xuất phương án đảm bảo độ tin cậy cho hệ thống máy chủ, cải tiến khả năng tính toán độ tin cậy giữa hai máy chủ trong mạng.

    Đối tượng nghiên cứu: Khả năng chịu lỗi của dịch vụ trên hạ tầng đám mây, các yếu tố ảnh hưởng tới độ tin cậy của hệ thống, dịch vụ và các phương pháp dự phòng nâng cao độ tin cậy cho hệ thống máy chủ dịch vụ.

  2. Các phương pháp nghiên cứu đã sử dụng
  • Phương pháp thống kê tổng hợp: Phương pháp này được sử dụng để thu thập, tổng hợp các tài liệu kĩ thuật, các công bố khoa học các tài liệu liên quan đến đảm bảo độ tin cậy, cơ sở lý thuyết về xác suất thống kê, mô hình toán học về chuỗi Markov.
  • Nghiên cứu lí thuyết: Phương pháp này được sử dụng để tìm hiểu về các tài liệu kĩ thuật, các công trình nghiên cứu, các bài báo khoa học về các cơ chế dự phòng đảm bảo độ tin cậy trong hệ thống; nguyên lý hoạt động trong môi trường điện toán đám mây, lưu trữ dữ liệu trên đám mây.
  • Phương pháp chuyên gia: Phương pháp nghiên cứu chuyên gia được sử dụng bằng cách tham gia các hội thảo khoa học nhằm trao đổi các kinh nghiệm, thu thập các ý kiến đóng góp của các chuyên gia và tích cực trao đổi với các chuyên gia nước ngoài.
  • Phương pháp kiểm chứng: Phương pháp này được sử dụng kết hợp phân tích đánh giá thông qua các kết quả tính toán, ước lượng.
  1. Các kết quả chính và kết luận

3.1. Các kết quả chính

  • Đề xuất phương pháp PNRE nhằm cải tiến thuật toán truyền thống LPC để tính độ tin cậy giữa hai thiết bị đầu cuối trong hệ thống mạng. Bằng cách thực hiện song song hóa các hàm tính độ tin cậy của mỗi thành phần con trong đường đi từ điểm nguồn đến đích, phương pháp đã cho kết quả tính toán được cải thiện đáng kể so sánh với hai thuật toán cùng loại là LPC và SACNR.
  • Nghiên cứu và đề xuất phương án dự phòng nâng cao độ tin cậy cho hệ thống theo phương pháp dự phòng song song. Luận án so sánh độ tin cậy và khả năng sẵn sàng của hệ thống với phần tử có khả năng phục hồi và phục hồi có độ ưu tiên theo các cấu hình khác nhau, từ đó xây dựng công thức tính độ tin cậy để so sánh, phân tích và đưa ra khuyến nghị việc lựa chọn phương án phù hợp đối với mỗi trường hợp.
  • Nghiên cứu phương pháp dự phòng tích cực và đề xuất phương án dự phòng RESCS nâng cao độ tin cậy cho hệ thống lưu trữ trên các dịch vụ điện toán đám mây, là cơ sở lý thuyết để phát triển một giải pháp lưu trữ dữ liệu trực tiếp đảm bảo độ tin cậy và an toàn cho người dùng; Đề xuất quy trình xác định phương án dự phòng đảm bảo độ tin cậy theo cấu trúc hệ thống, là cơ sở để thực hiện việc xác định cấu hình cho hệ thống hoạt động đảm bảo độ tin cậy, sẵn sàng.

3.2. Kết luận

Việc sử dụng kết hợp các phương án dự phòng giúp tăng tính sẵn sàng và độ tin cậy của hệ thống, kết hợp với quy trình đảm bảo độ tin cậy giúp nhà thiết kế hệ thống xây dựng các phương án dự phòng dựa trên cấu hình hệ thống, đồng thời giúp đánh giá định lượng độ tin cậy của mỗi phương án, từ đó ra quyết định lựa chọn phương án khả thi nhất để triển khai hệ thống.

Chi tiết xem thêm tại đây.