Năm 2023 là một năm vươn mình mạnh mẽ của Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội, tạo đà cho một chặng đường phát triển mới. Sau đây, chúng ta cùng điểm lại 10 sự kiện và thành tựu nổi bật của Viện Công nghệ Thông tin trong năm 2023.
1) Khai trương Không gian Đổi mới sáng tạo ĐHQGHN và RMIT tại Hòa Lạc (VNU-RMIT Innovation Hub).
VNU-RMIT Innovation Hub được thành lập với mục đích phục vụ đào tạo sau đại học, đào tạo nhân lực trình độ cao, chất lượng cao; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo thông qua hợp tác giữa ĐHQGHN, RMIT với các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Viện CNTT là đơn vị đầu mối triển khai và vận hành. Lĩnh vực hoạt động của Không gian Đổi mới Sáng tạo không chỉ liên quan đến công nghệ số (công nghệ thông tin và truyền thông, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, robot, nhà máy thông minh, vi mạch bán dẫn…) mà còn có các công nghệ khác như vật liệu mới, năng lượng tái tạo, môi trường, nông nghiệp, tăng trưởng xanh…, góp phần giải quyết các bài toán thực tiễn của doanh nghiệp trong các lĩnh vực thiết yếu của đời sống, kinh tế xã hội.
2) Tổ chức thành công Hội thảo quốc tế về Vi mạch bán dẫn và Hệ thống ứng dụng (International Workshop on Integrated Circuits and Systems – ICAS 2023).
Hội thảo là chuỗi hoạt động của Viện Công nghệ Thông tin hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội. Hội thảo là diễn đàn dành cho các nhà khoa học, các chuyên gia công nghệ chia sẻ tri thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực chip bán dẫn và thiết bị điện tử và máy tính, được bảo trợ bởi Hiệp hội IEEE Circuits and Systems, Hiệp hội IEEE Mạch bán dẫn (SSCS), Hoa Kỳ và Hiệp hội kỹ sư Điện tử và CNTT Nhật Bản. Hội thảo ICAS 2023 thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Hoa Kỳ, Brazil… và Việt Nam.
3) Tham gia Triển lãm chip bán dẫn và ứng dụng trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với ĐHQGHN.
Viện CNTT đã tham gia triển lãm với với nhiều sản phẩm tiêu biểu về vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thu hút sự quan tâm của các bộ ngành, doanh nghiệp, nhà khoa học như: Vi mạch mã hóa tín hiệu video theo chuẩn tiên tiến H.264/AVC (VENGME); Vi mạch thu phát IoT băng tần kép ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (IoTA); Vi mạch bảo mật hạng nhẹ cho IoT (SNACk); Vi mạch bảo mật cho thẻ RFID; Vi mạch và thiết bị IoT an toàn dùng trong đô thị thông minh (ADEN4IoT); Vi mạch chuyển đổi tương tự – số (ADC) dựa trên VCO, ứng dụng trong lĩnh vực IoT công suất thấp.
4) Thành lập Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến quốc tế về Trí tuệ nhân tạo ứng dụng (AIRC).
Quyết định số 1240/QĐ-ĐHQGHN về việc công nhận nhóm nghiên cứu “Các giải pháp và nền tảng thông minh trong Trí tuệ nhân tạo 4.0” thuộc Viện Công nghệ Thông tin là Nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN.
Tiếp đến, Viện CNTT đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến quốc tế về Trí tuệ nhân tạo ứng dụng (AIRC) trên cơ sở tổ chức lại Phòng Đa phương tiện và Thực tại ảo và Nhóm nghiên cứu mạnh. Trung tâm là nơi quy tụ và bồi dưỡng các nhà khoa học trình độ cao, xuất sắc; tiên phong trong triển khai các hoạt động nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, thương mại hóa, chuyển giao công nghệ về Trí tuệ nhân tạo (AI) và các lĩnh vực liên quan; hướng đến mục tiêu phát triển thành Trung tâm nghiên cứu xuất sắc về Trí tuệ nhân tạo và ứng dụng cấp ĐHQGHN.
5) Triển khai chương trình đào tạo mới bậc Tiến sĩ về “Khoa học và Kỹ thuật máy tính”, đã tuyển được 5 nghiên cứu sinh (vượt mức chỉ tiêu 66% so với kế hoạch).
Chương trình đào tạo kết hợp thế mạnh của Viện CNTT và nhu cầu nhân lực trình độ cao trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và Chuyển đổi số; kết hợp phần cứng và phần mềm trong lĩnh vực CNTT-TT, Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Internet vạn vật, Thiết kế vi mạch bán dẫn…
Việc tuyển sinh thành công đã giúp nâng tổng số nghiên cứu sinh làm nghiên cứu tại Viện CNTT lên 19 nghiên cứu sinh. Đây là đội ngũ nghiên cứu khoa học quan trọng, góp phần nâng cao các chỉ số hoạt động KH&CN của Viện Công nghệ Thông tin nói riêng và của ĐHQGHN nói chung.
6) Đạt mức 5 sao theo tiêu chí Đại học nghiên cứu định hướng đổi mới sáng tạo. Tiếp tục duy trì công bố khoa học quốc tế trên danh mục WoS/Scopus ở mức cao, thuộc nhóm dẫn đầu của ĐHQGHN.
Viện CNTT tiếp tục duy trì mức công bố khoa học cao, đạt 56 công trình năm 2023. Trong đó, công bố quốc tế trên danh mục WoS/Scopus đạt 40 công trình, tỷ lệ 2,5 công trình/cán bộ khoa học; tỷ lệ công bố có chất lượng cao (Q1/Q2-Scimago) đạt 51,3% số công bố quốc tế.
Các hoạt động hợp tác trong và ngoài nước về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo nghiên cứu sinh được quan tâm đẩy mạnh. Năm 2023, Viện Công nghệ Thông tin đã được ĐHQGHN đánh giá và xếp loại Đạt mức 5 sao theo tiêu chí Đại học nghiên cứu định hướng đổi mới sáng tạo (cùng với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên), tại công văn số 218/ĐBCL-QTĐH ngày 20/11/2023.
7) Triển khai nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ của nhiều cơ quan chính phủ và doanh nghiệp.
Trong năm 2023, Viện CNTT đã đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn nhằm nâng cao vị thế ĐHQGHN và góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ tại các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Cụ thể, Viện CNTT đã triển khai đào tạo cho các đơn vị (tiêu biểu) như: Đào tạo bồi dưỡng về Chuyển đổi số tại Bộ Công an cho 12.000 cán bộ công an nhân dân của 63 tỉnh thành trên cả nước; và 10 hợp đồng đào tạo cho các bộ, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp về các lĩnh vực công nghệ, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của đơn vị và gia tăng thu nhập cho cán bộ.
8) Tổ chức thành công Hội thảo Khoa học và Công nghệ thường niên năm 2023 và 14 hội thảo, seminar khoa học thường xuyên, định kỳ.
Với chủ trương xây dựng môi trường học thuật tích cực và gia tăng chia sẻ tri thức, thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp, Viện CNTT tiếp tục duy trì hội thảo/seminar định kỳ hằng tháng với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia công nghệ đến từ các đơn vị nghiên cứu, đào tạo, doanh nghiệp. Qua các hoạt động seminar khoa học định kỳ, các bên có thêm cơ hội chia sẻ kinh nghiệm hoạt động nghiên cứu phát triển và thúc đẩy cơ hội hợp tác phát triển và ứng dụng công nghệ.
9) Tuyển chọn nhóm sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội tham dự và đoạt Giải Ba cuộc thi Thiết kế vi mạch bán dẫn khu vực Đông Nam Á (SEACAS Chipathon 2023).
Chipathon 2023 là cuộc thi thiết kế chip bán dẫn do Hiệp hội IEEE Circuits and Systems (CAS) tổ chức, Đại học Quốc gia Philippines (UP Diliman) đăng cai. Năm nay, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của các đội sinh viên đến từ Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam.
10) Tham dự và giới thiệu sản phẩm KHCN tại các sự kiện quan trọng của bộ, ngành, địa phương.
Tham gia nhiều triển lãm giới thiệu sản phẩm công nghệ: Triển lãm TECHCONNECT tại Quảng Ninh với chủ đề “Đổi mới sáng tạo – Phát triển bền vững” do UBND tỉnh Quảng Ninh và Bộ Khoa học & Công nghệ chủ trì tổ chức; Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2203), tại Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC); Triển lãm sản phẩm công nghệ tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư ĐHQGHN năm 2023; Tham dự và báo cáo tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ V – năm 2023 tại thành phố Hạ Long; Đồng chủ trì và báo cáo tại Diễn đàn Công nghệ và Chuyển đổi số giáo dục quốc gia (EdTech Việt Nam 2023), và nhiều triển lãm khoa học công nghệ khác.