Ngày 24/04/2024, Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN tổ chức seminar với chủ đề “An toàn Hệ thống thông tin trong thời kỳ Chuyển đổi số”. Buổi Seminar dưới sự chủ trì của TS. Lê Quang Minh, Phó Viện trưởng, phụ trách Phòng nghiên cứu An toàn Hệ thống thông tin, được tổ chức trực tuyến trên hệ thống zoom với sự tham gia của các nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh của Viện CNTT cùng với các sinh viên, giảng viên đến từ các trường đại học và các đồng nghiệp từ nhiều đơn vị khác.

Buổi seminar bắt đầu với báo cáo về “Ransomware – Nguy cơ và các giải pháp đối với người dùng ”. Ransomware là một loại mã độc xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1989, đây là một loại mã độc khi các máy tính bị tấn công sẽ bị mã hóa dữ liệu (loại hình tấn công dạng phá hoại) và đòi tiền chuộc. Các thuật toán mã hóa khi hacker sử dụng có thể khẳng định là gần như không có khả năng tự giải mã, bởi vậy khi bị mã hóa, người bị hại thường phải chấp nhận trả tiền chuộc hoặc phải cài lại hệ thống dựa trên những dữ liệu mà tùy thuộc mức độ backup dự phòng được. Ransomware đã gây bão đối với người dùng thế giới, đặc biệt những năm covid-19 trở lại đây. Năm 2023, 2024 rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam ghi nhận bị tấn công Ransomware và bị thiệt hại khá nghiêm trọng như VNdirect, PVOil.

Diễn giả Nguyễn Minh Đức là một chuyên gia, nhà sáng lập và giám đốc điều hành CyRadar – một doanh nghiệp nổi tiếng về  an toàn thông tin tại Việt Nam.

Báo cáo trình bày tập trung vào các nội dung:

  • Phân tích về Ransomware và lý do tại sao thời gian gần đây Ransomware lại bùng nổ
  • Lịch sử của Ransomware
  • Cách thức hoạt động của Ransomware như thế nào
  • Chúng ta có cơ hội ngăn chặn Ransomware hay không
  • Theo dõi các nhóm Ransomware và tương lai của Ransomware.
Minh họa: Ngành công nghiệp Ransomware
Minh họa: Dưới góc nhìn của mã độc, Ramsomware chia làm 5 pha.

Đây là một bài trình bày rất toàn diện, đầy đủ và dễ hiểu về mọi khía cạnh của Ransomware, đặc biệt là từ góc nhìn của  CYRADAR, một công ty đã có những sản phẩm thương mại liên quan đến vấn đề này. Những thông tin bổ ích này rất có ích với các tổ chức, doanh nghiệp và cả các nghiên cứu viên khi muốn đi sâu về Ransomware.

Bài thứ hai của buổi seminar là một bài trình bày về những mảng nghiên cứu mới liên ngành, xuyên ngành và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số ở hiện tại và tương lai do TS. Đinh Văn Dũng, nguyên Phó Viện trưởng Viện CNTT trình bày. Diễn giả đã trình bày một bức tranh chung tổng thể, trên cơ sở đó đề cập đến những ý tưởng  phát triển những ứng dụng để làm ra các sản phẩm đa ngành – liên ngành về các công nghệ số, là lựa chọn phù hợp khi các doanh nghiệp lớn và các viện nghiên cứu có mục tiêu tạo ra những sản phẩm công nghiệp có hàm lượng nghiên cứu cơ bản cao. Bài trình bày nhấn mạnh các công nghệ số như AI, IoT, BigData trong việc phát triển các sản phẩm công nghệ tiên tiến thuộc các lĩnh vực như Y tế, Nông nghiệp, Sản xuất công nghiệp.

Buổi seminar kết thúc vào lúc 16:30 cùng ngày, mọi thông tin chi tiết về slide bài trình bày của các báo cáo viên cũng như video của buổi seminar chúng tôi xin cung cấp tại địa chỉ:

https://drive.google.com/drive/folders/1EG9dI0UhRP2tjwhxP3DnS-DRPjt3Sj98?usp=sharing

Trân trọng cảm ơn.