Chiều ngày 10/1/2024, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức seminar khoa học với chủ đề “Mạch tích hợp và hệ thống: Hành trình từ Thuật toán đến Mạch tích hợp”. Buổi seminar được tổ chức dưới hình thức trực tiếp tại phòng 505, nhà E3. GS.TS. Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin (CNTT) chủ trì seminar. Khách mời tham gia gồm có các giáo sư đến từ Hiệp hội Mạch và Hệ thống (CASS) cùng với đông đảo sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh tới từ Viện Công nghệ Thông tin và các trường đại học trong Đại học Quốc gia Hà Nội.

            Mở đầu cho buổi seminar là bài phát biểu chào mừng từ Hiệp hội Mạch và Hệ thống của GS. Myung Hoon Sunwoo đến từ Đại học Ajou, Hàn Quốc.

         Tiếp đó là phần trình bày của GS. Kea-Tiong Tang đến từ Đại học Thanh Hoa Đài Loan (National Tsing Hua University) về tầm nhìn của Hiệp hội Mạch và Hệ thống trước xu hướng phát triển của công nghệ.

            Cuối cùng của phần mở đầu là bài trình bày của GS. Yongfu Li đến từ Đại học Giao thông Thượng Hải (Shanghai Jiao Tong), Trung Quốc giới thiệu về các hoạt động của về thiết kế vi mạch và tích hợp hệ thống tại Trung Quốc.

Sau phần mở đầu là phần trình bày của các diễn giả. Phó Giám đốc của NIGILENT Technologies, ông Fucheng Li đã chia sẻ về sự kết hợp giữa công nghệ “Công cụ trên Chip (Instruments on Chip) cùng với trí tuệ nhân tạo”, sản phẩm được áp dụng để giảng dạy cho các lĩnh vực liên quan đến điện, điện tử và kỹ thuật máy tính.

         Ông Đào Mạnh Hiệp, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có bài trình bày về “Kiến trúc tiết kiệm chi phí và năng lượng khi thực thi đường cong nhị phân Edwards để bảo mật cho thẻ RFID”. Bài trình bày của tác giả đã nêu lên được những nhược điểm và lỗ hổng trong bảo mật của thẻ RFID, từ đó đưa ra đề xuất về việc áp dụng và thực thi thuật toán đường cong nhị phân Edward vào việc nâng cao bảo mật cho thẻ RFID.

Một diễn giả khác đến từ Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội, TS. Bùi Duy Hiếu, Trưởng phòng thí nghiệm AIoT đã có phần trình bày tổng quan về “Bảo mật năng lượng cực thấp cho các ứng dụng trong IoT”. Trong bài trình bày, tác giả đã nêu ra những rủi ro tiềm tàng trong các hệ thống IoT hiện nay, từ đó đưa ra được các giải pháp để khắc phục các rủi ro đó và các công trình nghiên cứu và sản phẩm của nhóm nghiên cứu trong việc khắc phục các vấn đề nêu trên.

            Diễn giả cuối cùng là PGS.TS. Nguyễn Trần Thuật, Phó Giám đốc Trung tâm Nano và năng lượng đến từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có phần trình bày về các công trình nghiên cứu trong việc phát triển các hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời, trình bày về vật liệu perovskite halogenua, một kim loại hữu cơ lai hai chiều để ngưng tụ các hạt giả vật chất nhẹ cho các thiết bị quang điện tử và các thiết bị lượng tử tiên tiến ở nhiệt độ phòng.

            Buổi seminar đã giúp các bạn sinh viên, học viên tham dự có thêm kiến thức, tạo ra một môi trường thảo luận vào giao lưu giữa cộng đồng nghiên cứu, giảng viên và sinh viên.